Cảng tàu khách Hạ Long đón khách quốc tế trở lại sau bão số 3

Ngày 10/9, sau thời gian ngắn bị gián đoạn hoạt động do siêu bão số 3, gần 1.000 khách đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc… di chuyển từ Hà Nội xuống Hạ Long theo lịch trình đã ấn định từ trước.

Khách du lịch quốc tế tại
Khách du lịch quốc tế tại

Ngày 10/9, sau thời gian ngắn bị gián đoạn hoạt động do siêu bão số 3 - Yagi, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, đã mở cửa trở lại đón khách quốc tế đi thăm vịnh Hạ Long.

Gần 1.000 khách đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc… di chuyển từ Hà Nội xuống Hạ Long vào sáng sớm, theo lịch trình đã ấn định từ trước.

Ông Phạm Văn Hiệp, Giám đốc Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, cho biết ngay sau khi bão tan, đơn vị đã bắt tay vào sửa chữa, gia cố một số hạng mục bị hư hỏng, dọn dẹp cây xanh gãy đổ.

Cảng tàu khách là cửa ngõ đón khách tham quan vịnh Hạ Long, đặc biệt khách quốc tế, nên đơn vị đã dốc toàn lực kiểm tra cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc, hệ thống bến cảng.

Đến nay, bến tàu số 1 và số 2 đã vận hành bình thường, đảm bảo an toàn khai thác. Nhiều tàu du lịch đã quay trở lại neo đậu tại bến cảng sau thời gian tạm di trú tránh bão.

Trước đó, do bão số 3 đổ bộ, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long đã buộc phải tạm đóng cửa. Cảng thực hiện phòng, chống thiên tai, bão lũ từ ngày 5/9 vừa qua.

Hiện, Quảng Ninh đã qua mùa du lịch cao điểm, lượng khách tới thăm vịnh Hạ Long đạt gần 50% so với cao điểm tháng 6-7. Thành phố Hạ Long vừa hứng chịu thiệt hại nặng nề do bão, nhiều cơ sở kinh doanh du lịch bị gián đoạn vận hành.

Dự kiến, công tác khắc phục hậu quả sẽ kéo dài trong nhiều tuần nữa. Song song với việc mở cửa đón khách, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long đang nỗ lực khắc phục nốt các thiệt hại nhằm chuẩn bị cơ sở vật chất tốt nhất đón mùa khách quốc tế đi thăm vịnh bằng tàu biển bắt đầu từ tháng 10 tới.

Ngày 10/9, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh thông tin bão số 3 đã làm 9 người chết (tăng so với thông tin ban đầu là 3 người); trong đó 1 người ở thành phố Cẩm Phả, 8 người ở thành phố Hạ Long. Các lực lượng chức năng và địa phương đang tiếp tục cập nhật.

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh, tổng số bệnh nhân khám, tiếp nhận điều trị tại các cơ sở y tế do bão là 1.153. Hiện các cơ quan chức năng đang tích cực tìm kiếm người mất tích, triển khai cứu nạn, cứu hộ.

Bão số 3 kèm gió to gây mất điện, mất nước trên diện rộng. Thông tin viễn thông gần như bị tê liệt, đến nay chưa khắc phục xong, gây khó khăn cho công tác lãnh đạo, điều hành, chỉ đạo trực tiếp, cũng truyền thông thông tin về cơn bão, các biện pháp ứng phó với hoàn lưu sau bão cho nhân nhân. Có thời điểm, một số địa phương mất liên lạc kéo dài như các huyện Bình Liêu, thị xã Quảng Yên…

Bão số 3 gây thiệt hại rất lớn với Quảng Ninh, trong đó có các công trình lớn như Bảo tàng Quảng Ninh, Cung quy hoạch-hội chợ-triển lãm tỉnh…

Theo thống kê sơ bộ, đã có 6 hộ dân bị ngập lụt, 20.245 nhà bị tốc mái; 21 phương tiện vận tải thủy, 23 tàu du lịch, 41 tàu cá các loại bị chìm, trôi dạt; trên 2.402 cơ sở nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 127ha lúa, hoa màu bị đổ, ngập úng, ảnh hưởng; 17.223ha rừng bị ảnh hưởng tại 8 địa phương; 1.403 cột điện bị đổ gẫy…

Nhiều nhà cao tầng, trụ sở cơ quan, trường học bị hư hỏng, hạ tầng các khu công nghiệp ven biển tại thị xã Quảng Yên bị hư hại trên diện rộng. Một số địa điểm bị ngập mặt đường, sạt trượt taluy, gãy đổ hư hỏng hệ thống biển báo, đèn chiếu sáng, ngành giao thông đang tiếp tục thống kê thiệt hại.

Từ 12 giờ ngày 7/9 vừa qua, bão số 3 đổ bộ gây mưa lớn kèm gió, lốc gây mất điện diện rộng, các trạm BTS bị hư hại, cáp quang bị đứt dẫn đến mất thông tin, liên lạc toàn tỉnh (Viettel, Mobiphone mất kết nối hoàn toàn), Vinaphone giữ được hoạt động ở 11/13 trung tâm huyện, thị xã, thành phố, còn khoảng 50% vùng phủ sóng tại khu vực dân cư.

Dự kiến, đến ngày 12/9 tới, mạng thông tin di động của các nhà mạng sẽ cơ bản hoạt động trở lại trong toàn tỉnh, tuy nhiên, các dịch vụ viễn thông khác như internet cần thêm thời gian để khắc phục hoàn toàn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Cổng nhà rêu phong cùng phần mái ngói đặc trưng của kiến trúc làng cổ Việt. (Ảnh: Vân Chi/TTXVN phát)

Cự Đà - làng cổ lưu dấu hồn xưa giữa phố thị

Cự Đà là ngôi làng cổ nổi tiếng thuộc xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội, sở hữu những căn nhà mang nét truyền thống, mộc mạc của làng quê Bắc Bộ, giao thoa hài hòa với vẻ cổ kính đậm dấu ấn kiến trúc Pháp.

Độc đáo Tháp Thần Nông làm từ cối đá

Độc đáo Tháp Thần Nông làm từ cối đá

Liên minh Kỷ lục thế giới phối hợp với Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam và Tổ chức kỷ lục gia Việt Nam Vietkings tổ chức trao Bằng công nhận Kỷ lục thế giới với Tháp Thần nông.