Căng thẳng Mỹ-Iran: Các yếu tố giữ giá dầu không tăng vọt

Bài viết trên tờ Finacial Times lý giải nguyên nhân khiến giá dầu thế giới không tăng bất chấp những căng thẳng ở Trung Đông là do có những nhận định cho rằng, cuộc khủng hoảng sẽ sớm lắng dịu.
Căng thẳng Mỹ-Iran: Các yếu tố giữ giá dầu không tăng vọt ảnh 1Một cơ sở khai thác dầu của Iran ở đảo Khark, ngoài khơi vùng Vịnh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá dầu thế giới chiều 8/1 đã giảm và giao dịch ở mức thấp sau khi tăng lên 5% khi xảy ra sự kiện Iran bắn tên lửa vào các căn cứ quân sự có lính Mỹ và liên quân quốc tế đồn trú tại Iraq.

Bài viết trên tờ Finacial Times của Anh lý giải nguyên nhân khiến giá dầu thế giới không tăng bất chấp những căng thẳng ở Trung Đông là do có những nhận định cho rằng, cuộc khủng hoảng sẽ sớm lắng dịu đi.

Theo tác giả, nhiều thương nhân đã nhận định việc Mỹ không tấn công đáp trả là một dấu hiệu cho thấy Washington không muốn tình hình căng thẳng leo thang thành một cuộc xung đột toàn diện. Các chuyên gia dự báo sẽ có một "giai đoạn tương đối bình lặng."

Ông Bob McNally, cựu Cố vấn Nhà Trắng và là người đứng đầu công ty tư vấn năng lượng Rapidan, nhận định rằng dường như các cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran đã được lên kế hoạch để tránh gây thương vong. Nhưng ông cũng cảnh báo rằng đây có thể chưa phải là dấu chấm hết cho hoạt động trả thù của Iran.

Một nguyên nhân khác được lý giải là các công ty vận tải dầu vẫn chưa thực hiện chính sách đình chỉ các giao dịch vận tải dầu. Công ty điều hành tàu chở dầu lớn nhất thế giới Frontline đang giám sát chặt chẽ tình hình, nhưng chưa “đình chỉ các giao dịch trong khu vực này."

Mặc dù Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới và là đồng minh quan trọng của Mỹ, đã tạm ngừng vận chuyển dầu qua Eo biển Hormuz, nơi 20% nguồn cung dầu toàn cầu đi qua hàng ngày, nhưng các nhà hãng vận tải dầu khác chỉ mới đang thực hiện các biện pháp phòng ngừa như chỉ đi qua khu vực này vào ban ngày.

[Nhận định giá dầu thô thế giới năm 2020: Nhiều rủi ro bất định]

Lý do tiếp theo được Finacial Times đưa ra là Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ thế giới (OPEC) và các đồng minh có thể tăng nguồn cung. Theo tờ báo, OPEC và các đồng minh như Nga đã cắt giảm sản lượng trong suốt ba năm qua nhằm đối phó với việc sản lượng dầu đá phiến của Mỹ tăng.

Và nếu giá dầu tăng quá cao, Tổng thống Donald Trump sẽ gây áp lực đối với các đồng minh trong OPEC, như Saudi Arabia và UAE, tăng cường sản xuất để giúp bình ổn thị trường. Trước vụ tấn công tên lửa vừa qua, Tổng thống Trump cho biết ông đã thảo luận về giá dầu với giới chức Saudi Arabia.

Iman Nasseri, Giám đốc điều hành khu vực Trung Đông của công ty tư vấn năng lượng FGE, cho rằng Saudi Arabia chắc chắn có thể làm dịu thị trường bằng cách tuyên bố đơn phương tăng nguồn cung của mình. Tuy nhiên, theo ông, hành động vội vàng đó sẽ là không cần thiết cho đến khi Iran và Mỹ “bình tĩnh” lại.

Nguyên nhân thứ tư được Finacial Times lý giải là giá dầu hiện đã cao và những lo ngại về khả tăng trưởng toàn cầu yếu cũng như cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã lắng dịu.

Theo tờ báo, các quỹ đầu tư mạo hiểm đã đặt cược rất lớn vào việc giá dầu tăng nên có thể không mấy hứng thú tiếp tục mở rộng đầu tư nếu không có bằng chứng nguồn cung thực sự gián đoạn.

Và cuối cùng, Finacial Times lý giải là do nguồn cung cao hơn. Tác giả cho rằng mặc dù tốc độ tăng trưởng của dầu đá phiến được dự báo sẽ chậm lại trong năm nay, nhưng giá dầu cao hơn có thể dẫn đến phản ứng mau lẹ của ngành công nghiệp dầu đá phiến nhằm tăng sản lượng. Theo Finacial Times, điều đó có thể giảm sự nhiệt tình của nhà đầu cơ dầu mỏ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.