Căng thẳng Nga-Ukraine khiến giá dầu ở thị trường châu Á tăng gần 3%

Ông Jeffrey Halley, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao của Công ty môi giới tài chính OANDA (Mỹ), dự đoán giá dầu Brent sẽ biến động trong khoảng 90-100 USD/thùng trong vài tuần tới.
Căng thẳng Nga-Ukraine khiến giá dầu ở thị trường châu Á tăng gần 3% ảnh 1Giá xăng dầu được niêm yết tại trạm xăng ở Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá dầu châu Á tăng gần 3% trong phiên chiều 25/2 trước những lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung toàn cầu do tác động của các lệnh trừng phạt thương mại đối với Nga.

Vào lúc 14 giờ 38 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 2,81 USD hay 2,8%, lên 101,89 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 2,37 USD hay 2,6%, và được giao dịch ở mức 95,18 USD/thùng.

Ông Jeffrey Halley, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao của Công ty môi giới tài chính OANDA (Mỹ), cho biết các nhà đầu tư ở châu Á, với tâm lý lo ngại về tình hình căng thẳng tại Ukraine, đã ồ ạt tìm đến dầu trong phiên hôm nay, khiến giá dầu một lần nữa tăng mạnh.

Chuyên gia này nhận định tình hình căng thẳng ở Ukraine sẽ khiến giá dầu tăng lên, cũng như khả năng gián đoạn nguồn cung, vốn diễn ra trong bối cảnh thị trường “vàng đen” đã thắt chặt do nhu cầu mạnh mẽ và nguồn cung căng thẳng trên toàn cầu.

Ông dự đoán giá dầu Brent sẽ biến động trong khoảng 90-100 USD/thùng trong vài tuần tới.

[Giá dầu Brent phá ngưỡng 105 USD một thùng lần đầu tiên từ năm 2014]

Chuyên gia phân tích của ngân hàng Commonwealth Bank (Australia) Vivek Dhar cho biết thị trường dầu đang đặc biệt dễ bị tổn thương trước những cú sốc về nguồn cung, khi lượng dầu dự trữ trên toàn cầu đang ở mức thấp nhất bảy năm qua.

Trong khi đó, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, đang gặp khó khăn trong việc đạt được các mức sản lượng mục tiêu đề ra.

Dù chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết có thể sẽ giải phóng dầu từ kho dự trữ chiến lược để kiềm chế đà tăng giá dầu nhưng ông Dhar cho biết lịch sử đã cho thấy bất cứ động thái nào như vậy cũng có thể chỉ là một giải pháp tạm thời cho thị trường.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Dầu mỏ Nigeria cho rằng một thỏa thuận giữa Iran và các nước phương Tây nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 sẽ giúp gia tăng nguồn cung cho thị trường.

Các quan chức Iran mới đây cho biết các đối tác phương Tây đang phải ra quyết định đối với các vấn đề quan trọng để có thể đạt được một thỏa thuận./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.