Căng thẳng thương mại mới bùng phát giữa Trung Quốc và Mỹ

Mỹ ra quyết định phản đối thương vụ mua lại của một doanh nghiệp Trung Quốc đối với nhà sản xuất chip Lattice Semiconductor do lo ngại thương vụ này tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe doạ an ninh quốc gia.
Căng thẳng thương mại mới bùng phát giữa Trung Quốc và Mỹ ảnh 1Đồng nhân dân tệ và đồng USD. (Nguồn: sovereignman.com)

Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc (MOC) Cao Phong ngày 14/9 khẳng định Trung Quốc phản đối mọi hành vi bảo hộ thương mại núp dưới chiêu bài xem xét những vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia trong các dự án đầu tư.

MOC đưa ra phản ứng trên sau khi Ủy ban về đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) ra quyết định phản đối thương vụ mua lại của một doanh nghiệp Trung Quốc đối với nhà sản xuất chip Lattice Semiconductor do lo ngại thương vụ này tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe doạ an ninh quốc gia Mỹ.

Phát biểu tại họp báo, ông Cao Phong nhấn mạnh Trung Quốc hết sức lo ngại về quyết định của Mỹ.

Mỗi quốc gia đều có quyền điều tra kỹ lưỡng về hoạt động đầu tư nước ngoài trong những lĩnh vực nhạy cảm, nhưng quyền lực đó không nên được sử dụng trong vai trò của một công cụ phục vụ mục đích triển khai chủ nghĩa bảo hộ.


[Mỹ xác nhận đang trong cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc]

Theo ông, việc doanh nghiệp Trung Quốc mua lại một công ty nước ngoài là thực tiễn thị trường bình thường, vì vậy nên được đối xử một cách khách quan và công bằng.

Trung Quốc hy vọng các quốc gia khác có thể tạo ra một môi trường công bằng và minh bạch cho các hoạt động đầu tư nước ngoài, và tránh tác động tới công việc riêng của các nhà đầu tư.

Trước đó, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không cho phép Quỹ Đầu tư Canyon Bridge của Trung Quốc mua lại Công ty Lattice Semiconductor, nhà sản xuất các loại chip tiên tiến, có trụ sở ở bang Oregon, coi đây là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Mỹ.

Canyon Bridge có kế hoạch thâu tóm Lattice Semiconductor với giá 1,3 tỷ USD, thương vụ lớn nhất của một công ty Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất chip của Mỹ.

Đây là thỏa thuận đầu tiên được công bố đối với công ty Canyon Bridge có trụ sở tại Palo Alto, được khai trương vào năm ngoái và tập trung vào đầu tư công nghệ.

Giới chức Nhà Trắng lo ngại thương vụ này sẽ kéo theo việc chuyển giao công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ cho các nhà đầu tư nước ngoài và liên quan trực tiếp tới hoạt động cung cấp các sản phẩm bán dẫn cho các cơ quan chính phủ.

Hiện nay, các sản phẩm bán dẫn nhạy cảm của Lattice Semiconductor được nhiều cơ quan chính phủ Mỹ sử dụng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.