Cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ càng thêm khốc liệt do thiếu chip

Một số nhà sản xuất máy tính cá nhân thậm chí đã đặt các đơn hàng lớn hơn và sớm hơn nhiều so với kế hoạch ban đầu để tăng công suất và ngăn cản các đối thủ trong việc có được các nguồn cung.
Cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ càng thêm khốc liệt do thiếu chip ảnh 1Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tình trạng thiếu chip trên toàn cầu đang khiến sự cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ đã khốc liệt lại thêm gay gắt hơn.

Giám đốc điều hành một công ty máy tính cho biết công ty đã đề nghị các nhà cung cấp không bán chip cho các đối thủ cạnh tranh nhỏ hơn và sẵn sàng trả giá cao hơn để có thể mua được nhiều chip và linh kiện hơn.

Một số nhà sản xuất máy tính cá nhân thậm chí đã đặt các đơn hàng lớn hơn và sớm hơn nhiều so với kế hoạch ban đầu để tăng công suất và ngăn cản các đối thủ trong việc có được các nguồn cung.

Các nhà chức trách Mỹ, Nhật Bản và Đức đã gây sức ép lên các nhà sản xuất chip, yêu cầu ưu tiên sản xuất cho ngành công nghiệp ôtô, khiến các khách hàng khác đã phải bằng mọi cách để duy trì nguồn cung.

Trong khi nhu cầu của các nhà sản xuất ôtô tăng đột biến đã khiến tình trạng thiếu nguồn cung thêm trầm trọng, gốc rễ của vấn đề sâu xa hơn thế.

Sự bùng phát của đại dịch COVID-19 vào đầu năm ngoái đã buộc Trung Quốc phải áp dụng tình trạng phong tỏa rộng khắp, khiến chuỗi cung ứng cho lĩnh vực công nghệ bị gián đoạn.

[Nghị sỹ Mỹ vận động mở rộng lệnh hạn chế bán sản phẩm bán dẫn cho TQ]

Khi hàng được giao trở lại, các nhà sản xuất thiết bị điện tử đã chạy đua đặt hàng dự trữ nhiều hơn trước để không bị rơi vào tình trạng thiếu hụt một lần nữa.

Đại dịch cũng tác động đến nhu cầu. Các đợt phong tỏa và việc làm việc và học tập từ xa phổ biến đã thúc đẩy mạnh mẽ nhu cầu chuyển đổi số.

Việc mạng 5G cùng với điện thoại thông minh cần nhiều chip và linh kiện hơn cũng làm tăng tốc quá trình này. Chẳng hạn, một chiếc điện thoại thông minh 5G thông thường cần 3 ăng-ten, so với 1 ăng-ten của điện thoại 4G và cũng cần số linh kiện thụ động nhiều hơn 30-50%.

Cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc cũng đã khiến chuỗi cung ứng căng thẳng. Khi Mỹ hạn chế đáng kể sự tiếp cận của Huawei đối với công nghệ thiết yếu của Mỹ, tập đoàn này đã đa dạng hóa nguồn cung nhiều nhất có thể và các công ty Trung Quốc khác lo ngại về động thái tương tự, cũng đã có sự chuẩn bị. Điều này đẩy nhu cầu chip và các lĩnh kiện thiết yếu khác tăng mạnh.

Sự bùng nổ đơn đặt hàng chip do nhu cầu thực tế và cả dự phòng đã khiến hoạt động sản xuất chip và linh kiện gần như hết công suất.

Một nguyên nhân khiến cuộc khủng hoảng chip rất khó giải quyết là cần nhiều thời gian tăng công suất, hoặc tại các nhà máy hiện nay hoặc phải xây dựng các nhà nhà máy mới.

Tập đoàn Intel của Mỹ đã thông báo chi 20 tỷ USD để xây dựng hai nhà máy tại Arizona, nhưng các nhà máy này sẽ chưa đi vào hoạt động cho đến năm 2024./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.