Lý do khiến dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc ở Indonesia bị chậm trễ

Sự chậm trễ trong việc hoàn thành dự án đường sắt của Trung Quốc là một lời "nhắc nhở" đối với Indonesia để thực hiện biện pháp bổ sung nhằm giải quyết các vấn đề trước khi ký kết dự án hạ tầng BRI.
Lý do khiến dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc ở Indonesia bị chậm trễ ảnh 1Giao thông đường sắt tại Indonesia. (Nguồn: The Jakarta Post)

Theo tạp chí The Diplomat, báo chí Indonesia đưa tin dự án đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung, một trong những dự án chính của sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc ở nước này, đã bị trì hoãn do những cân nhắc về các vấn đề tài chính và môi trường.

Đây không phải lần đầu tiên dự án này gặp sự cố và chậm tiến độ. Năm ngoái, có thông tin dự án đã bị đình chỉ do Bộ Công trình Công cộng và Nhà ở Indonesia cho rằng việc xây dựng dự án đã làm gián đoạn luồng giao thông dọc theo các tuyến đường thu phí Jakarta-Cikampek, Purwakarta-Bandung-Cileunyi (Purbaleunyi) cũng như các tuyến đường không thu phí khác ở đường bộ và vùng lân cận của đường sắt.

Việc chất đống các vật liệu xây dựng bên cạnh các tuyến đường được cho là đã làm xáo trộn hệ thống thoát nước xung quanh khuôn viên dự án. Liên doanh Trung Quốc-Indonesia PT Kereta Cepat Indonesia China (KCIC) - được thành lập giữa một tập đoàn các doanh nghiệp do nhà nước sở hữu của Indonesia (BUMN) và Công ty trách nhiệm hữu hạn Beijing Yawan HSR, một tập đoàn các công ty xây dựng đường sắt của Trung Quốc - đã bị chậm tiến độ trong việc thi công hệ thống thoát nước cho dự án. Hậu quả là lũ lụt đã tràn qua các trạm thu phí vào đầu tháng Giêng năm nay. Những sự cố tương tự lặp lại vào cuối tháng Hai, gây ra cảnh ùn tắc giao thông.

Trước đó, dự án đường sắt cao tốc trị giá 6 tỷ USD cũng đã vài lần bị trì hoãn, gần đây nhất là do đại dịch COVID-19. Sự chậm trễ tương tự đã ảnh hưởng đến các dự án BRI quan trọng ở các nước khác, bao gồm Pakistan và Sri Lanka.

[BRI bị chững lại... do sự dàn trải quá mức của Trung Quốc?]

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Mã Triêu Húc năm ngoái đã lập luận rằng "tác động của sự bùng phát dịch bệnh đối với sự phát triển của BRI chỉ là tạm thời" và Bắc Kinh vẫn "sẵn sàng làm việc với tất cả các bên để tiếp tục thúc đẩy phát triển BRI chất lượng cao. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào điều này."

Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều dự án của Trung Quốc đã bị đình trệ rất lâu trước đại dịch COVID-19. Tương tự, sự chậm trễ kéo dài trong việc hoàn thành dự án đường sắt của Trung Quốc là một lời "nhắc nhở" đối với Indonesia để thực hiện các biện pháp bổ sung nhằm giải quyết các vấn đề tiềm ẩn trước khi ký kết các dự án cơ sở hạ tầng BRI quy mô lớn.

Việc thực hiện các dự án BRI ở Indonesia bắt đầu bằng việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai quốc gia vào năm 2013. Cựu Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono cho biết: "Chúng tôi đã một lần nữa làm nên lịch sử bằng việc đồng ý xây dựng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Tôi tin rằng dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, hai nước sẽ cải thiện mối quan hệ hợp tác song phương trong tương lai."

Cùng năm này, ông Tập Cận Bình tuyên bố thành lập "Con đường Tơ lụa trên Biển", một tuyến hàng hải của BRI, trong một bài phát biểu trước Quốc hội Indonesia.

Thỏa thuận đã tạo cơ sở thực hiện một số dự án lớn, chẳng hạn như dự án đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung, khu công nghiệp Morowali, đường cao tốc Probolinggo-Banyuwangi và khu công nghiệp Vịnh Weda. Rất nhiều trong số các dự án này đã gây ra các tranh cãi ở Indonesia, bao gồm cả dự án đường sắt.

Chẳng hạn, khi thỏa thuận được ký vào năm 2016, Faisal Basri, một nhà kinh tế tại Đại học Indonesia, đã chỉ trích quyết định của chính phủ trong việc phê duyệt xây dựng dự án đường sắt mặc dù dự án này đang được thực hiện mà không có vốn nhà nước. Ngoài ra, còn có những cáo buộc về tham nhũng gắn liền với dự án.

Một năm trước đó, cựu Bộ trưởng Kinh tế Indonesia Emil Salim cũng đã nêu lên những câu hỏi về vấn đề kinh tế của dự án. Ông Salim tuyên bố mối quan tâm chính của Indonesia "là các dòng USD chảy ra bên ngoài, vì vậy, chúng tôi phải khuyến khích các dự án của chính phủ để không đẩy đồng USD ra ngoài". Bất chấp những lời chỉ trích, chính phủ vẫn quyết tâm tiếp tục dự án.

Những dự đoán bi quan đã trở thành hiện thực khi dự án bị tạm dừng trong 14 ngày vào đầu năm 2020 do một số vấn đề môi trường cho các khu vực xung quanh. Bộ trưởng Bộ Doanh nghiệp Nhà nước Erick Tohir giải thích rằng ông đã yêu cầu phía Trung Quốc "đánh giá kỹ lưỡng tất cả những thiếu sót trong quản lý dự án, đặc biệt là những khuyết điểm gây tổn hại đến môi trường và xã hội cho cộng đồng."

Mặc dù cuối cùng dự án đã được tiếp tục thực hiện nhưng lại gặp rắc rối. Dự kiến bắt đầu hoạt động vào đầu năm 2021, dự án hiện được cho là đã vượt ngân sách 1,39 tỷ USD, phần lớn do những thách thức về thu hồi đất và sự cố công trình.

Một ví dụ là vụ cháy đường ống phân phối nhiên liệu của PT Pertamina (Persero) ở thành phố Cimahi, Tây Java, vào tháng 10/2019, do đụng chạm với công trình xây dựng đường tàu, đã gây ra tình trạng ngưng trệ công việc kéo dài. Một yếu tố khác là sự thay đổi giá cả trong quá trình thực hiện dự án.

Một nguồn tin được tạp chí Tempo trích dẫn cho biết, trong quá trình đánh giá tất cả các khía cạnh của dự án, đã phát hiện thấy chi phí vượt mức lên tới 23% chi phí dự kiến ban đầu.

Những thách thức của dự án này sẽ là một lời cảnh báo cho Chính phủ Indonesia nên cẩn thận trong việc thông quan các dự án phát triển cơ sở hạ tầng quy mô lớn với Chính phủ Trung Quốc - hoặc bất kỳ thế lực bên ngoài nào khác.

Thời gian của một số dự án khác của Trung Quốc ở Indonesia cũng đã được kéo dài, bao gồm cả việc xây dựng Nhà máy thủy điện Batangtoru 3 ở Bắc Sumatra, một dự án đang được xây dựng bởi Công ty trách nhiệm hữu hạn Sinohydro của Trung Quốc, đã bị tạm ngừng vào tháng Sáu năm ngoái do vấn đề nhân lực.

Công ty phụ trách vẫn không thể tuyển dụng công nhân Trung Quốc do các hạn chế vì đại dịch COVID-19 của Indonesia. Việc hoàn thành con đập trị giá 1,5 tỷ USD hiện đã bị lùi lại từ năm 2022 đến năm 2025.

Trước mắt, Jakarta nên thảo luận với các đối tác Trung Quốc về những bước tiếp theo cần thiết để vực dậy các dự án bị đình trệ này. Hai nước nên tìm cách cùng nhau giải quyết những tình huống này theo hướng có lợi cho cả hai bên.

Về lâu dài, Indonesia cần đảm bảo rằng các nghiên cứu khả thi thích hợp được thực hiện trước khi ký kết bất kỳ thỏa thuận nào và giải quyết các tác động thực tế, tài chính và môi trường khác nhau của dự án.

Indonesia có khả năng thương lượng đáng kể với Trung Quốc. Trong khi Jakarta có thể cần các khoản đầu tư của Trung Quốc để thúc đẩy nền kinh tế của mình, Trung Quốc cũng cần Indonesia để đạt được các mục tiêu kinh tế và chiến lược ở nước ngoài.

Con đường hàng hải dự kiến của Trung Quốc đến Rotterdam trong khuôn khổ BRI có thể sẽ không thể thực hiện nếu không có sự tham gia của Indonesia - một thực tế mà Jakarta nên tận dụng tối đa lợi thế của mình./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.