Cao Bằng: Động Dơi đón bằng công nhận Di tích cấp Quốc gia

Động nằm trong lòng dãy núi đá vôi cách đường dân sinh khoảng 700m; động tương đối lớn, có chiều sâu gần 1.000m, độ cao trung bình khoảng 40m với nhiều kiến tạo nhũ đá kì vĩ độc đáo.
(Ảnh minh họa. Trường Giang/TTXVN)

Ngày 26/11, Ủy ban Nhân dân huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng tổ chức Lễ đón nhận Bằng di tích cấp Quốc gia đối với danh lam thắng cảnh Động Dơi.

Động Dơi là thắng cảnh đẹp do thiên nhiên hàng nghìn năm kiến tạo thành, nằm ở giữa lưng chừng núi thuộc xóm Lũng Súm, xã Đồng Loan, huyện Hạ Lang. Động nằm trong lòng dãy núi đá vôi cách đường dân sinh khoảng 700m; động tương đối lớn, có chiều sâu gần 1.000m, độ cao trung bình khoảng 40m với nhiều kiến tạo nhũ đá kì vĩ độc đáo.

Động có ba khoang và hai tầng, được ngăn cách nhau bởi những vách đá và những ô cửa đá. Ở khoang thứ nhất có nhiều lớp đá xếp trồng lên nhau được phủ lớp màu đa sắc lung linh huyền ảo khiến người ta liên tưởng đến hình ảnh của những thác bạc, thác vàng, nền hang có nhiều giàn nhũ đá nổi như những chiếc bánh, có nơi kết thành những ao nước trong xanh lung linh.

Ở khoang thứ hai của hang dài 200m là nhũ đá xếp chồng lên nhau như những ngọn núi và bên dưới là dòng nước trong xanh, có những nhũ đá trông giống như ruộng bậc thang với những bông lúa vàng óng ánh được nhân dân địa phương gọi là “ruộng nàng tiên," bên cạnh là hình ảnh hàng trăm thác bạc rủ xuống mềm mại.

Đi sâu vào động là khoang thứ ba - khoang trung tâm của động, được chia làm hai tầng. Tầng một có diện tích rộng khoảng 10.000m2, độ cao 80m có nhiều nhũ đá cao to với hình thù sinh động, độc đáo. Ở tầng hai của động có độ cao trung bình 60m, uốn lượn theo hình bán nguyệt, trần động là những nhũ đá rủ xuống cân xứng hài hòa với nhũ đá nhô lên khỏi mặt nền của động. Đi sâu vào tận cùng của hang là những phiến nhũ đá có màu vàng óng trông như những trụ cột đá vững chắc chống đỡ cho phần mái.

Với vẻ đẹp kỳ vĩ , thắng cảnh Động Dơi đã thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Động còn là di tích cấp Quốc gia thứ hai của huyện Hạ Lang.

Trước đó, năm 1993, Bia đá Chùa Sùng Phúc ở huyện Hạ Lang đã được công nhận là di tích cấp Quốc gia). Động Dơi, Chùa Sùng Phúc, Đền thờ Tô Thị Hoạn cùng với Thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao... sẽ mở ra một chuỗi liên kết trong phát triển du lịch thu hút du khách trong và ngoài nước đến Cao Bằng tham quan, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng biên cương của Tổ quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục