Xây dựng làng cổ Đường Lâm thành di tích cấp Quốc gia đặc biệt

Thị xã Sơn Tây sẽ chủ động đầu tư chống xuống cấp các di tích, tranh thủ mọi nguồn lực để tu bổ, tôn tạo di tích, phát triển hạ tầng cơ sở để phục vụ du lịch.
Xây dựng làng cổ Đường Lâm thành di tích cấp Quốc gia đặc biệt ảnh 1Ngõ nhỏ ở Đường Lâm. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Tối 21/11, tại lễ kỷ niệm 10 năm ngày di tích làng cổ ở Đường Lâm được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thị xã Sơn Tây, Hà Nội khẳng định, năm 2016, địa phương phấn đấu để làng cổ Đường Lâm trở thành di tích cấp Quốc gia đặc biệt, tiến tới được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Theo đó, địa phương tập trung phát huy giá trị di tích làng cổ Đường Lâm, để năm 2016 đón được 15 vạn lượt khách tham quan, từ 10-15% các hộ dân tại di tích tổ chức các hoạt động dịch vụ du lịch cho khách đem lại thu nhập ổn định. Đồng thời cũng để bảo tồn di tích làng cổ và giải quyết nhu cầu cuộc sống người dân, thị xã Sơn Tây sẽ hoàn thành việc giãn 150 hộ dân trong dự án giãn dân giai đoạn 1 sang nơi ở mới.

Để giải quyết tốt vấn đề đó, thị xã Sơn Tây chủ động đầu tư chống xuống cấp các di tích, tranh thủ mọi nguồn lực để tu bổ, tôn tạo di tích, phát triển hạ tầng cơ sở để phục vụ du lịch. Địa phương cũng chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp gắn với phát triển mô hình du lịch-dịch vụ ở xã Đường Lâm, phát triển du lịch di sản văn hóa gắn với các hoạt động du lịch sinh thái nông nghiệp. Đặc biệt, công tác tuyên truyền, vận động cán bộ và nhân dân về giá trị đặc biệt của di tích sẽ được coi trọng, để nâng cao hơn nữa nhận thức và ý thức trách nhiệm trong việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của di tích làng cổ Đường Lâm.

Trong 10 năm qua, từ khi di tích làng cổ Đường Lâm được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia, thị xã Sơn Tây đã tập trung bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Trong công tác bảo tồn, địa phương đã chú trọng đến quản lý cấp phép xây dựng, thiết kế nhà mẫu cho người dân áp dụng trong xây dựng; bảo tồn, tu bổ di tích đền thờ và lăng Ngô Quyền, đình Cam Thịnh, đình Đoài Giáp, bảo tồn 12 điếm và 10 giếng cổ, 10 nhà cổ, cảnh quan khu vực cổng làng Mông Phụ đến đình Mông Phụ…

Thị xã Sơn Tây cũng đang từng bước triển khai dự án quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích làng cổ Đường Lâm; xây dựng quy định quản lý, bảo tồn, xây dựng và phát huy giá trị di tích làng cổ Đường Lâm; quy hoạch khu giãn dân và triển khai các công trình dân sinh; xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ người dân sống trong di tích.

Trong công tác phát huy giá trị di tích, thị xã Sơn Tây cũng chú trọng tuyên truyền, quảng bá về giá trị di tích làng cổ Đường Lâm, thành lập đội ngũ thuyết minh viên tại các điểm di tích để giới thiệu với du khách về giá trị di tích, triển khai mô hình dịch vụ du lịch ở nhà dân (homestay) tới các gia đình có nhà cổ, xây dựng tour tuyến tham quan làng cổ gắn với các di tích trên địa bàn thị xã.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục