Cao Bằng: Gần 1.750 lượt người xuất nhập cảnh qua cửa khẩu Tà Lùng

Sau một tháng khôi phục hoạt động xuất nhập cảnh, tính từ ngày 25/6-24/7, tổng số người xuất nhập cảnh qua cặp Cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng-Thủy Khẩu là 1.747 lượt, trong đó nhập cảnh 951 người.
Cao Bằng: Gần 1.750 lượt người xuất nhập cảnh qua cửa khẩu Tà Lùng ảnh 1Công dân làm thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam tại Cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng (Cao Bằng). (Ảnh: Chu Hiệu/TTXVN)

Sau ba năm gián đoạn vì COVID-19, từ ngày 25/6, hoạt động xuất, nhập cảnh qua cặp Cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng, Cao Bằng (Việt Nam) - Cửa khẩu Quốc tế Thủy Khẩu (Trung Quốc) đã chính thức được nối lại, tạo điều kiện cho cư dân hai nước thuận lợi trong việc thăm thân, buôn bán.

Gần đây, số lượng người xuất nhập cảnh qua Cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng bắt đầu tăng lên.

Thông tin từ Trạm Kiểm soát Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng, sau khi khôi phục hoạt động xuất nhập cảnh, trung bình mỗi ngày có khoảng 400-500 lượt người làm thủ tục xuất nhập cảnh qua cửa khẩu.

Người xuất cảnh qua Trung Quốc chủ yếu đi chợ hoặc thăm người thân, trong khi đó người nhập cảnh vào Việt Nam có số lượng nhiều hơn.

Chị Nông Thị Uyên (quê quán xã Hạnh Phúc, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng) cho biết chị sinh ra, lớn lên ở Việt Nam. Khi đi làm ở bên nước bạn, chị gặp và lấy chồng người Trung Quốc. Do ảnh hưởng của COVID-19, đến tháng 7/2023, chị Uyên mới sắp xếp được thời gian để nhập cảnh về Việt Nam thăm bố mẹ, gia đình.

Khi biết Cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng đã khôi phục hoạt động xuất nhập cảnh, chị rất vui. Khi qua cửa khẩu, các thủ tục nhập cảnh được thực hiện nhanh gọn, giúp chị có nhiều thời gian thăm thân ở Việt Nam.

[Khôi phục hoạt động xuất, nhập cảnh tại cặp cửa khẩu Tà Lùng-Thủy Khẩu]

Là thương nhân, chị Hà Thị Trung Nguyên (thị trấn Tà Lùng, huyện Quảng Hòa) có nhiều công việc cần giải quyết ở hai bên. Khi COVID-19 xảy ra, công việc làm ăn, thông thương hàng hóa giữa chị và đối tác Trung Quốc phải dừng lại.

Đến nay, khi cặp Cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng, Cao Bằng (Việt Nam)-Cửa khẩu Quốc tế Thủy Khẩu (Trung Quốc) chính thức khôi phục hoạt động xuất nhập cảnh, chị Nguyên làm giấy thông hành, thủ tục đăng ký đi trong ngày để qua Trung Quốc giải quyết công việc.

Chị cho biết thêm khi cửa khẩu được mở cửa thông quan xuất nhập cảnh trở lại, nhiều người dân khu vực bên giới có tâm lý muốn qua nước bạn để đi chơi, mua sắm đồ dùng cá nhân…

Mặc dù đã mở cửa, lượng người xuất nhập cảnh tăng nhưng vẫn chưa nhiều như thời kỳ trước COVID-19.

Đại úy Khuất Mạnh Quang, Phó Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng, cho biết công dân khi xuất nhập cảnh chỉ cần mang theo giấy thông hành, hộ chiếu. Cán bộ làm nhiệm vụ sẽ tra cứu trên hệ thống dữ liệu quốc gia, quản lý chặt chẽ, đối chiếu các thông tin liên quan. Thời gian hoàn thành thủ tục Biên phòng đối với một hành khách được rút ngắn xuống còn 30 giây.

Hiện nay, đơn vị đã áp dụng hệ thống phần mềm kiểm soát xuất nhập cảnh, thực hiện kiểm soát xuất nhập khẩu bằng mã vạch và 10 ngày đóng dấu kiểm chứng một lần.

Vì vậy, các thủ tục xuất nhập cảnh được giải quyết nhanh chóng, giảm số lần đóng dấu kiểm chứng vào giấy thông hành, kéo dài thời hạn sử dụng, giảm chi phí cấp giấy thông hành cho hành khách.

Trạm Kiểm soát Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng công khai, niêm yết các văn bản chỉ đạo liên quan và thủ tục hành chính tại nơi cấp giấy thông hành để tiện cho người dân đến để làm thủ tục.

Thời gian tới, Trạm Kiểm soát Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng phối hợp tốt với đơn vị chức năng thực hiện công tác quản lý nhà nước tại cửa khẩu; nghiêm túc chấp hành nội quy, quy định, kiểm tra, giám sát chặt chẽ người, phương tiện đi, đến cửa khẩu. Cùng với đó, đảm bảo tình hình an ninh trật tự, chuẩn bị tốt điều kiện, đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ được giao.

Sau một tháng khôi phục hoạt động xuất nhập cảnh, tính từ ngày 25/6 - 24/7, tổng số người xuất nhập cảnh qua cặp Cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng là 1.747 lượt, trong đó nhập cảnh 951 người.

Thời gian thông quan Cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng (Việt Nam) từ 7-16 giờ, tại cửa khẩu Thủy Khẩu (Trung Quốc) từ 8-17 giờ.

Việc khôi phục lại hoạt động xuất nhập cảnh phục vụ tốt các cho hoạt động qua lại của cư dân biên giới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục