Bắt đầu từ tháng Chín đến khoảng cuối tháng Mười hàng năm là vào mùa thu hoạch hạt dẻ của người dân huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Lúc này, quả dẻ chín rộ, tách vỏ và tự rụng xuống gốc, để lộ những hạt dẻ nâu sẫm bên trong.
Không chỉ là một thức quà vặt ngon miệng hay nguyên liệu chế biến thực phẩm, hạt dẻ - theo các nhà khoa học - chứa nhiều thành phần rất tốt cho sức khỏe như vitamin C, kali, axit béo thuộc Omega 3 tốt cho tim mạch, và đặc biệt chứa hàm lượng mangan cao – chất có tác dụng chống oxy hóa, làm giảm thiểu nguy cơ mắc ung thư.
Hạt dẻ Trùng Khánh có kích thước khá lớn, vỏ dày cứng, màu nâu bóng, trên vỏ có lớp lông tơ màu trắng nhạt, bên trong là lớp vỏ lụa mỏng bao lấy nhân vàng ươm.
Điều khiến hạt dẻ Trùng Khánh nổi tiếng không chỉ ở kích thước mà còn ở chất lượng nổi trội với vị ngọt, bùi tự nhiên và rất thơm so với hạt dẻ ở các vùng khác. Đây là lý do khiến hạt dẻ Trùng Khánh vô cùng được ưa chuộng trên thị trường.
Sản vật của núi rừng Cao Bằng này đã lọt vào “Top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam” 2020-2021 theo Bộ Tiêu chí top món ăn, đặc sản Việt Nam.
Hiệu quả kinh tế chưa xứng với tiềm năng
Chất lượng đặc biệt của hạt dẻ Trùng Khánh có được là nhờ điều kiện tự nhiên đặc thù của vùng. Khu vực này được phân bố ở các sườn đồi có độ cao khoảng 450-600m, xung quanh được bao bọc bởi núi đá vôi tạo nên khí hậu mát mẻ quanh năm thích hợp cho sự phát triển và sinh trưởng của cây dẻ. Bên cạnh đó, địa phương có nhiều sông và suối lớn chảy qua, cung cấp phù sa và nước tưới cho cây.
Năm 2011, sản phẩm hạt dẻ Trùng Khánh được công bố chỉ dẫn địa lý “Trùng Khánh”, mở ra những cơ hội lớn về về thương mại và du lịch địa phương.
Loài cây bản địa này nhiều năm qua đã mang lại nguồn thu nhập kinh tế cao, hơn hẳn một số loại cây trồng khác, cho người dân huyện Trùng Khánh. Vào mùa thu hoạch, hạt dẻ Trùng Khánh được bán với giá từ 100.000-150.000 đồng/kg. Nhiều hộ gia đình có thể thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha từ sản vật quý này.
Nhiều ưu thế là thế nhưng cho đến nay, phát triển kinh tế từ sản phẩm hạt dẻ Trùng Khánh vẫn chưa đủ mạnh như tiềm năng bởi nhiều lý do.
Sản lượng hạt dẻ thu được hằng năm vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, hạt dẻ rất khó bảo quản sau thu hoạch. Hạt sẽ bị hỏng hoặc nảy mầm nếu để tự nhiên khoảng 10-15 ngày. Còn nếu dùng hóa chất để bảo quản thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng. Do đó, nhiều thương lái đã ép giá khi hạt dẻ vào vụ thu hoạch khiến những người trồng bị thiệt thòi.
Không chỉ thế, nhiều thương nhân còn trà trộn các loại hạt dẻ khác và gắn mác là hạt dẻ Trùng Khánh để kiếm lợi. Chất lượng, mùi thơm và vị ngon của những loại hạt dẻ này không thể sánh với hạt dẻ Trùng Khánh nhưng lại có hầu như quanh năm trong khi hạt dẻ Trùng Khánh chỉ có một vụ duy nhất vào tháng Chín, tháng Mười hàng năm.
Việc bị giả thương hiệu bán tràn lan trên thị trường đã đe dọa nghiêm trọng đến uy tín và giá trị thương mại của hạt dẻ Trùng Khánh.
Bảo tồn nguồn gene, mở rộng diện tích cây dẻ
Mặc dù cây dẻ có giá trị lớn nhưng người dân vẫn trồng theo lối quảng canh, trồng cây gieo từ hạt, gần 10 năm mới cho thu hoạch quả. Cây dẻ không được chăm sóc, nhiều cây đã già cỗi nên một số cây bắt đầu chết hoặc cho sản lượng thấp, chất lượng nguồn gene có hiện tượng suy giảm.
Dẻ là cây trồng lâu năm, cây giống phải trồng 5-6 năm mới đánh giá được chất lượng cây có tốt hay không. Cây trồng tới 8 năm mới cho thu hoạch. Đây là lý do khiến nhiều người ngại trồng, các hộ nghèo càng không có điều kiện đầu tư trồng dẻ.
Thực hiện Đề án số 21 của Tỉnh ủy về nông nghiệp thông minh tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn năm 2030, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã xây dựng Kế hoạch phát triển cây dẻ Trùng Khánh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu hình thành vùng sản xuất tập trung cây dẻ có quy mô 1.000ha.
Tỉnh đã phối hợp với nhiều đơn vị, chỉ đạo các Sở, ngành, huyện Trùng Khánh tìm nhiều giải pháp để mở rộng diện tích cây dẻ, đưa thương hiệu hạt dẻ vươn xa.
Viện Nghiên cứu Lâm sinh (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) đã triển khai đề tài “Nghiên cứu khai thác và phát triển nguồn gene cây dẻ Trùng Khánh tại tỉnh Cao Bằng” từ năm 2018, tập trung vào xác định giá trị nguồn gene cây dẻ, chọn lọc cây trội để lấy vật liệu nhân giống, xây dựng vườn giống vô tính dẻ Trùng Khánh 1ha và 3ha mô hình điểm trồng rừng thâm canh bằng các dòng có năng suất cao.
Từ đề tài của Viện Nghiên cứu Lâm sinh, Hợp tác xã Bích Loan (thị trấn Trùng Khánh) đã thực hiện ghép hơn 2 vạn cây dẻ, và ươm bằng hạt hơn 1 vạn cây. Sau khi gieo hạt để có cây con làm gốc ghép thì chọn cây mẹ sai quả, khoẻ mạnh, phẩm chất hạt tốt để ghép.
Sau gần 3 năm, hợp tác xã đã ứng dụng thành công ghép giống cây dẻ với tỷ lệ mọc trên 90%. Cây dẻ ghép thích hợp với đất đồi, sườn đồi, đất nương rẫy cũ, vườn tạp, tơi xốp, thời gian cây cho quả được rút ngắn và hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn cách ươm truyền thống.
Hiện, Hợp tác xã Bích Loan đã cung ứng hơn 2 vạn cây giống cho bà con nhân dân các xã, thị trấn để trồng theo dự án phát triển vùng nguyên liệu cây dẻ.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nasan Green tại huyện Trùng Khánh cũng phối hợp với Viện Nghiên cứu Lâm sinh và nhận chuyển giao đề tài, xây dựng vườn ươm 2,1ha và trồng thực nghiệm vườn dẻ ghép 1.000 cây. Đến nay, cây phát triển tốt, tỷ lệ ra hoa đậu quả 100%.
Chắp cánh thương hiệu bay xa
Bà Đàm Thị Hòa (Tổ 11, thị trấn Trùng Khánh) cho biết gia đình bà trồng gần 100 gốc dẻ, có độ tuổi hơn 20 năm. Nhờ được hỗ trợ áp dụng kỹ thuật vào cải tạo, chăm sóc những cây dẻ cũ và đầu tư trồng thêm các cây dẻ ghép cho năng suất cao, mỗi năm, gia đình có nguồn thu khoảng cả trăm triệu đồng từ bán hạt dẻ.
Nhiều nhà vườn ở Trùng Khánh vào mùa thu hoạch hạt dẻ đã áp dụng mô hình du lịch trải nghiệm, theo đó mở cửa vườn cho du khách đến tham quan, cùng thu hoạch và nướng hạt dẻ ngay tại vườn.
Những trải nghiệm thực tế này khiến du khách rất thích thú, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng. Nhiều nhà vườn đang tiếp tục nhân giống và mở rộng diện tích trồng, thâm canh cây dẻ để nâng cao thu nhập.
Đến nay, huyện Trùng Khánh đã có gần 700ha dẻ, trong đó khoảng 200ha cây dẻ lâu năm cho thu hoạch, chủ yếu trồng ở các xã Chí Viễn, Ngọc Khê, Ðình Minh, Phong Châu, Ðình Phong, thị trấn Trùng Khánh... Năng suất bình quân đạt 22 tạ/ha, sản lượng dẻ mỗi năm khoảng 130-160 tấn, thu nhập đạt khoảng 200-250 triệu đồng/ha..
Để định vị thương hiệu, huyện thiết lập quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể “Hạt dẻ Trùng Khánh;” xây dựng chuỗi liên kết, kênh bán hàng tại các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử trong và ngoài tỉnh; tổ chức đưa sản phẩm tham gia sàn giao dịch nông sản trong tỉnh và một số thành phố lớn; quảng bá thương hiệu gắn với du lịch, bán hàng qua mạng, giới thiệu sản phẩm trên mạng xã hội nhằm thu hút khách hàng trong và ngoài nước.
Huyện cũng tăng cường các hình thức liên doanh, liên kết, tạo môi trường đầu tư thông thoáng để mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào phát triển sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ các sản phẩm từ cây dẻ.
Huyện Trùng Khánh đặt mục tiêu trong thời gian tới, mỗi xã xây dựng ít nhất một hợp tác xã hoặc tổ hợp tác, đảm bảo đầu vào, đầu ra cho nông dân; khai thác mô hình du lịch nông nghiệp trên cơ sở mở rộng diện tích sản xuất cây đặc sản, song song với bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, vệ sinh môi trường.
Có thể nói, cây dẻ đã giúp nhiều hộ gia đình ở Trùng Khánh ổn định kinh tế, thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Tiềm năng đất canh tác ở Trùng Khánh còn rất lớn. Việc phát triển sản xuất liên kết "4 nhà," gồm Nhà nước-doanh nghiệp-nhà nông-nhà khoa học, sẽ sớm đưa cây dẻ trở thành cây kinh tế mũi nhọn; chắp cánh cho thương hiệu hạt dẻ Trùng Khánh tiếp tục vươn xa, tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của địa phương./.