Theo người dân các xã Mường Phăng, Pá Khoang (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên), mùa thu lượm hạt dẻ rừng diễn ra từ đầu tháng 10 đến cuối tháng 12 hằng năm.
Thời điểm này, hạt dẻ trên rừng đặc dụng Mường Phăng-Pá Khoang “chín” rộ nhất. Nhiều người dân địa phương cắt rừng, ngược núi thu lượm hạt dẻ, tạo thu nhập cho gia đình khi công việc làm nương, ruộng đồng trong năm đã vãn.
Rừng đặc dụng Mường Phăng có diện tích hơn 4.400ha trải rộng trên địa bàn hai xã Pá Khoang và Mường Phăng (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên).
Ngoài chức năng đảm bảo giữ nguồn nước, điều hòa ổn định lượng nước cho hồ thủy lợi Pá Khoang, phục vụ các công trình thủy điện vùng hạ lưu và nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cho cánh đồng Mường Thanh, rừng đặc dụng Mường Phăng còn gắn liền với đời sống, sinh kế của người dân ở hơn 40 bản sống xen kẽ trong rừng.
Những ngày này, hai tuyến đường vào rừng dễ dàng bắt gặp những nhóm người hối hả lên rừng nhặt hạt dẻ. Đặc biệt, tại các chân cầu của các cây cầu treo nối các đảo nhỏ trong hồ Pá Khoang, nằm ở các bản Đông Mệt 1, Đông Mệt 2, Đông Mệt 3 (xã Pá Khoang), người dân tập kết bao tải, gùi hạt dẻ hái lượm từ rừng về đây để loại bỏ hạt kém chất lượng trước khi đem rửa.
Chị Lò Thị Nhung, bản Đông Mệt 1, xã Pá Khoang, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên cho biết cứ đầu tháng 10, khi thu hoạch xong vụ lúa mùa, người dân tại các bản lại háo hức gọi nhau len rừng nhặt hạt dẻ.
Hạt dẻ rừng thu lượm ở đại ngàn Mường Phăng-Điện Biên có kích thước nhỏ như đầu đũa, hạt già có màu nâu, nhân hạt chắc, trắng tinh.
Sau khi nhặt trên rừng về, người dân đem hạt dẻ rửa sạch bụi đất bám trên vỏ hạt và sàng lọc những hạt lép, xấu, chất lượng kém mới đem đi bán. Giá trị của hạt dẻ rừng nằm ở nhân hạt, khi rang chín, nhân có mùi thơm, bùi.
Theo nhiều người dân địa phương, hàng chục năm trước, những hộ người Thái đầu tiên về đây định cư, lập bản, trong quá trình cắt rừng tìm đất làm nương trồng lúa, ngô, sắn, lên rừng hái rau, săn bắt thú nhỏ đã biết đến hạt dẻ. Nhưng chỉ hơn 10 năm nay, khi nhu cầu thị trường tăng, việc thu lượm hạt dẻ mới được nhiều người dân trong các bản tham gia. Ngày nay, việc thu hái hạt dẻ không chỉ dành riêng cho phụ nữ mà có cả nam giới tham gia, trẻ em cũng phụ giúp bố mẹ.
Anh Lò Văn Xuyên, bản Phăng, xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên cho biết những tháng đầu năm nay, đặc biệt là vào tháng Năm vừa qua, tỉnh Điện Biên chịu những đợt nắng nóng kéo dài dẫn đến khô hạn, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, nhất là đối với các huyện vùng cao.
[Công bố nhãn hiệu tập thể sản phẩm cam, bưởi Mường Động]
Người dân lo lắng mùa dẻ năm nay sẽ thất thu. Nhưng vào mùa thu hoạch, dẻ cho chất lượng hạt đều. Lượng hạt dẻ thu về mỗi ngày của người dân trong bản có phần nhiều hơn các năm trước.
Có lẽ, khí hậu ở đại ngàn rừng đặc dụng Mường Phăng-Pá Khoang khá ổn định, nền nhiệt độ ở khu vực dao động từ 26-30 độ C các mùa trong năm nên không ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây dẻ và các loài thực vật trong rừng.
Chị Lò Thị Hin, bản Đông Mệt 2, xã Pá Khoang, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên chia sẻ hạt dẻ thu lượm từ rừng về, sau khi nhặt, rửa để loại bỏ lá cây, mùn đất, bụi bám, được người dân phân ra hai loại theo kích thước. Loại hạt to có giá bán tại chỗ từ 9.000 đến 10.000 đồng/kg, loại nhỏ có giá bán 8.000 đồng/kg.
Mỗi ngày, một người đi lượm hạt dẻ thu về từ 70.000 đến 100.000 đồng. Đang lúc nông nhàn, thu nhập mang về từ việc thu lượm, bán hạt dẻ cũng góp phần trang trải phần nào chi tiêu của gia đình.
Hạt dẻ rừng nơi đại ngàn Mường Phăng được coi là một sản vật mà thiên nhiên ban tặng cho người dân nơi đây. Tuy nhiên, công việc thu lượm hạt dẻ không dễ dàng mà cần nhiều thời gian, sự cần mẫn, kiên trì.
Để tiếp cận được những cây dẻ, người dân phải đi vào rừng từ sáng sớm, len lỏi vào rừng bằng những con đường mòn, rồi cắt rừng rậm rạp tìm đến những cây dẻ sai quả.
Việc phải ngồi hàng giờ đồng hồ dưới tán rừng rậm, thâm u trong điều kiện thời tiết ẩm ướt, nhiệt độ giảm so với khu vực rìa rừng; cùng với đó, mùi mồ hôi cơ thể, hơi thở và tiếng động khi di chuyển của mọi người cũng đánh động sự xuất hiện của nhiều loại côn trùng, nhất là muỗi và vắt, kiến, ong.
Do đó, để tránh muỗi, vắt, rắn tấn công," người đi rừng phải tự trang bị cho mình ủng, giày, khăn quàng cổ, mũ rộng vành, áo dài tay...
Trước lúc vào rừng, trang phục phải kín đáo, nai nịt gọn gàng. Một vật dụng cần thiết, bắt buộc người đi thu lượm hạt dẻ phải mang theo là đôi găng tay để tránh bị lớp vỏ gai của quả dẻ đâm vào tay trong quá trình cào bới lớp lá khô để tìm, nhặt hạt dẻ trong rừng.
Để hỗ trợ nhau đưa những bao tải hạt dẻ ra khỏi rừng, người đi thu lượm hạt dẻ cũng thường chia thành nhóm từ 2 đến 4 người.
Một điều đặc biệt liên quan đến hạt dẻ của đại ngàn Mường Phăng-Pá Khoang mà bà Thẳm Thị Hiên - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Mường Phăng chia sẻ là qua quá trình đi thu lượm hạt dẻ, người dân trên địa bàn quan sát và rút ra được kinh nghiệm hay, có ích cho chăn nuôi, trồng trọt. Đó là cứ năm nào mùa hạt dẻ đến sớm, cuối năm đó thời tiết trên địa bàn sẽ xuất hiện những đợt lạnh sâu, kéo dài.
Theo Ban Quản lý rừng di tích và cảnh quan môi trường Mường Phăng (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên), lực lượng làm công tác quản lý, bảo vệ rừng của đơn vị cũng thường xuyên bám sát địa bàn, thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát rừng theo lịch, theo kế hoạch; xây dựng hệ thống cộng đồng có chức năng bảo vệ rừng; phối hợp với chính quyền địa phương, chủ rừng tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật và giúp người dân xây dựng các quy ước bảo vệ rừng.
Nhờ có các chính sách hỗ trợ về dịch vụ chi trả môi trường đảm bảo cuộc sống của người dân, tình trạng phá rừng trái pháp luật đã giảm đáng kể. Ý thức bảo vệ rừng của người dân các xã Mường Phăng, Pá Khoang ngày càng nâng lên./.