Cấp cứu một người đàn ông bị máy cắt găm sâu vào ngực phải

Sau khi khám, các bác sỹ thấy máy chà găm sâu vào thành ngực phải của bệnh nhân, phần mềm thành ngực bị cuốn vào trong máy chà gây khuyết hổng phần mềm, mất da và bầm dập da...
Hình ảnh chụp X-Quang chiếc máy găm vào ngực của bệnh nhân. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Các bác sỹ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vừa tiếp nhận cấp cứu một trường hợp ở Bắc Ninh bị máy chà văng, cắm găm vào ngực phải.

Bệnh nhân nhập viện và được chỉ định mổ cấp cứu xử trí vết thương.

Theo lời kể của bệnh nhân, khi đang làm việc, bệnh nhân bất ngờ bị máy chà (máy cắt) văng vào áo rồi cuốn vào ngực phải.

[Thêm một trường hợp trẻ sơ sinh da khô cứng do bệnh cực hiếm gặp]

Chiều 12/10, bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trong tình trạng tỉnh, vết thương không chảy máu, không khó thở, huyết động ổn.

Sau khi khám, các bác sỹ thấy máy chà găm sâu vào thành ngực phải của bệnh nhân, sát bờ dưới xương, bờ mép vết thương nham nhở, phần mềm thành ngực bị cuốn vào trong máy chà gây khuyết hổng phần mềm, mất da và bầm dập da quanh tổn thương.

Bác sỹ Lê Hải Sơn-Phó Chủ nhiệm khoa Ngoại lồng ngực, người trực tiếp tiến hành phẫu thuật cho biết bệnh nhân bị bong lóc phần mềm, mất da và bầm dập da rất lớn ở vùng ngực bên phải. Các bác sỹ đã đánh giá tổn thương mạch máu, tình trạng của khoang màng phổi, rất may bệnh nhân này chưa có tổn thương đó.

Trong quá trình xử trí, các bác sỹ thấy có tổn thương đứt bán phần của cơ ngực lớn, cơ ngực bé và cơ gian sườn nên xử trí cắt lọc, khâu lại những tổn thương đứt rách của cơ ngực lớn, cơ ngực bé; rửa sạch vết mổ và khâu lại vết thương phần mềm.

Bệnh nhân sau phẫu thuật. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đến nay, sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định, vết mổ không có tình trạng đọng dịch, hoại tử của mép da.

Bác sỹ Sơn cũng khuyến cáo trong quá trình lao động, mọi người phải tuân thủ đúng quy trình an toàn lao động. Trong trường hợp nếu không may xảy ra tai nạn lao động, người bệnh phải được sơ cứu và chuyển đến các Bệnh viện chuyên khoa để điều trị tốt nhất.

Đối với trường hợp bệnh nhân trên rất may không có tổn thương mạch máu, khoang màng phổi, dị vật có thể được lấy ra.

Bác sỹ Sơn cũng lưu ý trường hợp người bị tai nạn nếu có 1 tổn thương mạch máu, tại địa điểm xảy ra tai nạn không thể đánh giá được, vì vậy những người xung quanh nếu rút dị vật ra sẽ vô tình làm máu chảy ồ ạt, bệnh nhân có thể sốc, ảnh hưởng đến tính mạng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục