Càphê hạt Việt Nam - nguyên liệu chính của mọi sản phẩm càphê Italy

Chuyên gia cho biết tất cả các hãng càphê của Italy hiện đều rất quan tâm đến càphê Việt Nam, bởi càphê hạt của Việt Nam là thành phần không thể thiếu trong tất cả các sản phẩm càphê của Italy.
Càphê hạt Việt Nam - nguyên liệu chính của mọi sản phẩm càphê Italy ảnh 1Khách tham quan trao đổi về cà phê với đại diện Thương vụ Việt Nam. (Ảnh: Ngự Bình/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Italy, Hội chợ càphê quốc tế “Milano Coffee Festival” diễn ra từ ngày 19-21/5 tại thành phố Milan của Italy với sự tham gia của nhiều quốc gia sản xuất càphê, các thương hiệu càphê nổi tiếng của thế giới, trong đó có Việt Nam.

Việt Nam tham gia Hội chợ với tư cách là một trong những nhà xuất khẩu càphê lớn nhất thế giới, đã nhận được sự quan tâm rất lớn của các nhà sản xuất và các doanh nghiệp chế biến càphê của Italy.

Tại Hội chợ, đại diện bộ phận Thương vụ thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại Italy đã giới thiệu hai loại càphê hạt Robusta và Arabica cùng một số sản phẩm càphê chế biến của Việt Nam, cung cấp tài liệu quảng bá về Hiệp hội càphê-Ca cao Việt Nam và một số doanh nghiệp càphê trong nước cho các nhà nhập khẩu, chế biến càphê Italy cũng như các bạn hàng quốc tế.

Càphê hạt Việt Nam - nguyên liệu chính của mọi sản phẩm càphê Italy ảnh 2Gian hàng càphê dành cho nữ giới. (Ảnh: Ngự Bình/TTXVN)

Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Rome, nhà báo Mario Vicentini, chuyên gia hàng đầu về càphê của trang điện tử Comunicaffe của Italy, đánh giá càphê Việt Nam có vai trò rất quan trọng đối với Italy.

[Cơ hội lớn cho nhà đầu tư Italy tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long]

Đặc biệt càphê Robusta của Việt Nam có chất lượng cao, đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của các nhà chế biến càphê. Đây là thành phần nguyên liệu quan trọng để sản xuất ra các sản phẩm càphê của Italy.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Italy cũng rất quan tâm đến càphê Arabica của Việt Nam. Các sản phẩm càphê thô của Việt Nam được các doanh nghiệp Italy nhập khẩu và chế biến, sau đó cung cấp ra các thị trường cả trong và ngoài Italy. Vì vậy, càphê Việt Nam có vai trò quan trọng không chỉ đối với thị trường Italy nói riêng mà còn cả với quốc tế nói chung.

Italy có hơn 1.000 nhà sản xuất càphê và không một nhà sản xuất nào của Italy không biết đến càphê của Việt Nam.

“Tất cả các hãng càphê của Italy hiện nay đều rất quan tâm đến càphê Việt Nam, bởi càphê hạt của Việt Nam là thành phần không thể thiếu trong tất cả các sản phẩm càphê của Italy,” ông Mario Vicentini nhấn mạnh.

Chia sẻ về thị trường càphê Việt nam, ông Federico Colombo, một doanh nhân Italy chuyên về xuất nhập khẩu, cũng nhận định “càphê Robusta với chất lượng tuyệt hảo của Việt nam đã rất nổi tiếng tại thị trường Italy. Việt Nam là thị trường xuất khẩu quan trọng đối với các doanh nghiệp càphê của Italy.”

Trao đổi về những biện pháp để mặt hàng cafe, cũng như nhiều mặt hàng có thế mạnh khác của Việt Nam, được xuất nhiều hơn sang thị trường Italy và châu Âu, ông Nguyễn Đức Thanh, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Italy cho biết Bộ Công Thương và các Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam cùng các bộ, ngành liên quan đều rất nỗ lực xúc tiến xuất khẩu và kêu gọi hợp tác kinh tế đầu tư với Việt Nam.

Việt Nam đã, đang và sẽ tổ chức nhiều sự kiện, tọa đàm giới thiệu hàng hóa xuất khẩu, trực tiếp đi tìm hiểu, tiếp xúc với các nhà nhập khẩu, các nhà máy gia công chế biến, các chuỗi siêu thị, tổ chức tiêu thụ, bán buôn, bán lẻ hàng hóa Việt Nam tại các thị trường nước ngoài.

Việc Việt Nam tham gia Hội chợ quốc tế càphê này là một biện pháp để giới thiệu trực tiếp hàng hóa Việt Nam đến các nhà nhập khẩu và người tiêu dùng tại Italy.

Cũng theo ông Nguyễn Đức Thanh, năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã tăng mạnh, đạt 214 tỷ USD. Xuất khẩu của năm 2018 dự kiến tiếp tục tăng 10% so với năm 2017.

Về xuất khẩu càphê, Việt Nam thường xuyên xếp ở vị trí thứ hai thế giới. Trong năm 2017, Việt Nam xuất được một lượng càphê trị giá 3,2 tỷ USD, tăng 34% so với năm 2016. taly là thị trường nhập khẩu lớn thứ ba của Việt Nam, chỉ sau Mỹ và Đức.

Italy trong năm 2017 đã nhập 274 triệu USD càphê từ Việt Nam, tăng 30% so với năm trước và chiếm 8,5% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Italy.

Trong năm 2018 và các năm tới, Việt Nam sẽ thúc đẩy mạnh những biện pháp xúc tiến thương mại với Italy, trong đó có việc tăng cường xuất càphê thô và càphê chế biến.

Đối với người dân Italy, càphê đã trở thành sản phẩm không thể thiếu trong đời sống hằng ngày. Việc thưởng thức càphê cũng đã trở thành nét đặc trưng văn hóa của đất nước này. Do vậy, sự kiện “Milano Coffee Festival” đã thu hút rất đông người dân Italy và du khách đến tham quan trong dịp này.

Ngoài việc được giới thiệu và thưởng thức các sản phẩm càphê nổi tiếng chất lượng cao đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, khách tham quan Hội chợ còn được các nhà sản xuất giới thiệu quy trình cho ra đời những sản phẩm càphê chất lượng cao cũng như được hướng dẫn cách thức pha chế và thưởng thức hương vị càphê đặc trưng của mỗi nhà sản xuất, mỗi quốc gia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.