Tập đoàn Siêu thị Carrefour của Pháp vừa thông báo với khách hàng ở bốn quốc gia châu Âu rằng họ sẽ không bán các sản phẩm như Pepsi, khoai tây chiên giòn Lay's và 7UP nữa vì chúng đã trở nên quá đắt. Đây là động thái mới nhất trong cuộc giằng co về giá cả giữa các nhà bán lẻ và các đại gia thực phẩm toàn cầu.
Người phát ngôn của “gã khổng lồ” ngành siêu thị Pháp cho biết từ ngày 4/1/2024, các kệ đựng sản phẩm PepsiCo tại các cửa hàng Carrefour ở Pháp, Italy, Tây Ban Nha và Bỉ sẽ treo biển cho biết cửa hàng sẽ không còn bày bán hàng của các nhãn hàng này nữa "do mức giá tăng không thể chấp nhận được."
Động thái của Carrefour tác động đến hơn 9.000 cửa hàng trên khắp bốn quốc gia, chiếm tới 2/3 tổng số 14.348 cửa hàng trên toàn cầu của nhà bán lẻ này theo báo cáo thường niên năm 2022.
Các nhà bán lẻ ở một số quốc gia bao gồm Đức và Bỉ cũng đã ngừng đặt hàng tương tự từ các công ty hàng tiêu dùng, một chiến thuật đàm phán giá cả ngày càng trở nên căng thẳng do lạm phát leo thang.
Tập đoàn thực phẩm, đồ ăn nhẹ và đồ uống đa quốc gia của Mỹ PepsiCo cho biết: “Chúng tôi đã thảo luận với Carrefour trong nhiều tháng và chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác một cách thiện chí để cố gắng đảm bảo rằng các sản phẩm của chúng tôi luôn có sẵn trên các kệ hàng của họ.”
Một số sản phẩm của PepsiCo, chẳng hạn như Cheetos và 7UP đã không có mặt tại siêu thị Carrefour ở quận 16 tại Paris (Pháp) vào ngày 4/1, trong khi những sản phẩm khác, bao gồm cả Pepsi, vẫn còn trên kệ.
Trước đó, hồi tháng 10/2023, PepsiCo cho biết họ đã lên kế hoạch tăng giá sản phẩm một cách "khiêm tốn" trong năm 2024 do nhu cầu vẫn tăng mạnh, khiến công ty phải tăng dự báo lợi nhuận năm 2023 lần thứ ba liên tiếp.
Carrefour là một trong những nhà bán lẻ tích cực nhất trong việc thách thức các công ty kinh doanh thực phẩm và sản phẩm tiêu dùng lớn về giá cả. Năm ngoái, họ bắt đầu chiến dịch "thu hẹp lạm phát" bằng cách dán cảnh báo lên các sản phẩm có kích thước nhỏ hơn nhưng giá thành cao hơn.
Trong nỗ lực giảm lạm phát, Chính phủ Pháp đã yêu cầu các nhà bán lẻ và nhà cung cấp hàng hóa kết thúc đàm phán giá hàng năm vào tháng 1/2024, sớm hơn hai tháng so với thường lệ.
Pháp khác nhiều nước châu Âu ở chỗ nước này quản lý mạnh mẽ lĩnh vực bán lẻ, buộc các siêu thị chỉ đàm phán giá mỗi năm một lần với các nhà sản xuất thực phẩm và đồ uống nhằm bảo vệ ngành nông nghiệp.
Nhưng vòng đàm phán giá cuối cùng vào đầu năm ngoái, đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng lạm phát, đã khiến giá cả tăng rất cao, ảnh hưởng đến doanh thu tại các siêu thị và thúc đẩy họ phải đàm phán giảm giá vào lần sắp tới./.
Tập đoàn Siêu thị Carrefour tìm nguồn cung ứng lâu dài từ Việt Nam
Carrefour đang hợp tác với một số doanh nghiệp để sản xuất tại Việt Nam nhằm xuất khẩu vào hệ thống của Carrefour tại châu Âu và dự kiến sẽ đẩy mạnh mô hình xuất khẩu này trong thời gian tới.