Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), Cầu truyền hình "Dưới lá cờ quyết thắng" do Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện đã diễn ra tối 5/5 tại năm điểm cầu: Khu vực Sân hành lễ, Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ tại đồi D1 (Điện Biên); Quảng trường Ba Đình (Hà Nội); Quảng trường Lam Sơn (Thanh Hóa); Nhà rông Kon Klor (Kon Tum), Khu di tích Cột cờ Thủ Ngữ (Thành phố Hồ Chí Minh).
Tên gọi "Dưới lá cờ quyết thắng" được lấy ý tưởng từ lá cờ luân lưu "Quyết chiến - Quyết thắng" Bác Hồ gửi ra mặt trận vào ngày 22/12/1953, là giải thưởng luân lưu khích lệ toàn quân vượt gian khó, hiểm nguy hăng hái thi đua, lập thành tích, thông qua 5 điểm cầu, bức tranh về chiến thắng đỉnh cao được tái hiện toàn cảnh và chân thực.
Tại các điểm cầu có sự hiện diện của: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Trương Tấn Sang; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Ủy viên Trung ương Đảng, Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong ba năm 2023-2025 Trương Thị Mai, cùng nhiều đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo các ban, Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, lãnh đạo các tỉnh, thành phố; đại diện cựu chiến binh, cựu công an nhân dân, cựu thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, các lực lượng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cán bộ, đảng viên, nhân dân các tỉnh, thành phố nơi tổ chức điểm cầu.Dịp này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, cùng các đại biểu đã trao hoa và kỷ niệm chương tặng các cựu chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân quân hỏa tuyến... đã tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Mở đầu chương trình, khán giả đến với điểm cầu tại Đồi D1 (Điện Biên) - nơi diễn ra trận chiến đấu ác liệt của các chiến sỹ Trung đoàn 209 Đại đoàn 312 vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, trong đợt tấn công thứ hai của chiến dịch.
Từ nơi đây, có thể quan sát được toàn bộ Lòng chảo Điện Biên. Quân Pháp từng bố trí tại đây Tiểu đoàn 3 Trung đoàn Algeria rất thiện chiến chiếm giữ.
Sau hai ngày tiến công và giằng co với địch, bộ đội ta đã làm chủ hoàn toàn cứ điểm Đồi D1, một trong 49 cứ điểm, ba phân khu trung tâm, tám trung tâm đề kháng gồm 17 tiểu đoàn, bảy đại đội độc lập, với tổng số 16.200 quân tinh nhuệ nhất của Pháp lúc bấy giờ.
Tiếp đó, Cầu truyền hình đến với Cột Cờ Thủ Ngữ, Thành phố Hồ Chí Minh. Nơi đây, ngày 23/9/1945, khi đại đội quân Anh đến để hạ lá cờ đỏ sao vàng xuống, một tiểu đội tự vệ của ta đã anh dũng chiến đấu, chống trả quyết liệt tới người cuối cùng.
Tinh thần quyết tử của các anh đã cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào đấu tranh của quân, dân Nam Bộ trong những ngày kháng chiến.
Tại điểm cầu Hà Nội, khán giả đã được nghe câu chuyện về hoàn cảnh ra đời của bài hát "Người Hà Nội" của Nhà thơ Nguyễn Đình Thi: "Tối 19/12/1946, tôi và đồng chí Trần Huy Liệu nhận lệnh rời Hà Nội về ở trong một ngôi nhà ven sông Nhuệ, khi sau lưng cả Hà Nội đã chìm trong khói lửa của ngày đầu toàn quốc kháng chiến.
Bên cây đàn Piano cũ, những hình ảnh sống động về Hà Nội kiên cường, chiến đấu trong khói lửa để bảo vệ Hà Nội 'Hà Nội cháy, khói lửa ngập trời. Hà Nội ầm ầm rung…' cứ hiển hiện trong đầu. Tứ nhạc và ca từ cứ thế tuôn trào trên phím đàn..."
Điểm cầu Thanh Hóa đưa người xem đến với Bình Trị Thiên khói lửa. Sau thất bại Thu Đông 1947, quân Pháp tập trung lực lượng càn quét dữ dội ở Bình Trị Thiên.
Đầu năm 1948, chúng liên tục mở các trận càn ở Vĩnh Linh, Triệu Phong, Hải Lăng, gây ra những vụ thảm sát... Chiến dịch Điện Biên Phủ thành công có sự đóng góp lớn của hậu phương lớn Thanh Hóa.
Số dân công huy động cả ngắn ngày và dài ngày lên tới 178.924 người, trong tổng số 262.000 người của toàn chiến dịch (chiếm gần 70%); số lương thực đóng góp là 9.000 tấn trong tổng số 25.200 tấn của cả nước (chiếm gần 40%).
Gần 11.000 chiếc xe đạp thồ, 1.126 chiếc thuyền được toàn tỉnh huy động vận chuyển cho chiến dịch. Nhân dân trong tỉnh đã đóng góp hàng trăm tấn rau, củ quả... phục vụ chiến dịch quyết định này.
Điểm cầu cuối cùng là "Tây Nguyên bất khuất." Điện Biên và Tây Nguyên là hai vùng địa lý cách xa nhau hơn 1.000km nhưng Bắc Tây Nguyên có vai trò gắn kết chiến lược cùng thắng lợi của Điện Biên Phủ trong chiến cuộc Đông-Xuân (1953-1954), trong đó, Kon Tum đóng vai trò đặc biệt, "chia lửa" với Điện Biên.
Sau chiến thắng Kon Tum, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi điện khen toàn thể cán bộ, chiến sỹ, dân công Liên khu V, bức điện có đoạn: "Thắng lợi Kon Tum là thắng lợi đầu tiên của ta trên mặt trận miền Nam. Nó là một trong những thắng lợi quan trọng của ta trong mùa xuân năm nay trên chiến trường toàn quốc. Tôi thay mặt quân đội cảm tạ toàn thể đồng bào các dân tộc đã ra sức ủng hộ bộ đội chiến thắng quân địch."
Theo dõi Cầu truyền hình "Dưới lá cờ quyết thắng," khán giả quay trở lại năm tháng hào hùng với những ký ức không thể nào quên của một thời bom đạn.
Những dấu mốc quan trọng của 70 năm trước được thể hiện thông qua sự kết hợp giữa những trải nghiệm hiện tại và hồi tưởng quá khứ, giữa nghệ thuật và phân tích, đánh giá.
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã để lại nhiều bài học, những kinh nghiệm quý giá không chỉ trong cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta, còn cả trong công cuộc Đổi mới của đất nước hôm nay.
Đó là bài học về sự chỉ đạo tài tình của Đảng, nghệ thuật quân sự độc đáo, bài học phát huy thế trận lòng dân, sức mạnh đoàn kết dân tộc và đường lối đối ngoại khéo léo.
Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt. Máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn! Những đồng chí thân chôn làm giá súng, đầu bịt lỗ châu mai, băng mình qua núi thép gai, ào ào vũ bão. Những đồng chí chèn lưng cứu pháo, nát thân, nhắm mắt, còn ôm... Những bàn tay xẻ núi lăn bom/ Nhất định mở đường cho xe ta lên chiến trường tiếp viện."
Qua các phóng sự ôn lại những dấu mốc lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ và câu chuyện của nhân chứng lịch sử, như: Cụ Trần Khôi, nguyên Chính trị viên, Bí thư chi bộ Đại đội xe thồ 101; Thiếu tướng Nguyễn Tụ, nguyên Phó Giám đốc Học viện Quân y, khi đó là cán bộ phòng Quân y Đại đoàn 316, đại đoàn đánh vào cánh phía đông đồi A1; ông Lê Văn Sầm (bí danh Lê Biên), chiến sỹ liên lạc của Giáo sư Tôn Thất Tùng tại mặt trận Điện Biên Phủ; bà Ngô Thị Ngọc Diệp, Văn công Sư đoàn 308..., khán giả thêm hiểu về những gian truân, vất vả của các chiến sỹ Điện Biên, cũng như các hoạt động của những lực lượng tiếp sức, mang lại nguồn động viên tinh thần to lớn cho các chiến sỹ.
Có thể kể đến như: Phong trào đấu tranh đòi hòa bình, chống bắt lính, các trận phục kích tập kích, phá hoại các sân bay, kho xăng, đồn bốt, tàu bè… của giặc, khiến cho quân đội của Pháp ở miền Nam Việt Nam gặp nhiều khủng hoảng, thể hiện tinh thần miền Nam "chia lửa" với Điện Biên Phủ; những đóng góp của dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong, cán bộ văn công trong chiến dịch.
Hay câu chuyện về việc lần đầu tiên trong lịch sử, toàn bộ hệ thống các cơ sở điều trị, hoạt động chuyên môn của lực lượng y khoa được triển khai dưới mặt đất, tạo thành "Bệnh viện ngầm" trong điều kiện hết sức ngặt nghèo...
Điều này một lần nữa khẳng định: Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến công chung của cả dân tộc, được hun đúc bởi khát khao giành độc lập tự do của một dân tộc.
Gần chín năm, chúng ta đã dồn sức để có được chiến thắng, đó không phải là chiến thắng tại riêng Điện Biên Phủ, khắp cả nước đều có những chiến công. Đó là sự đồng lòng của cả dân tộc, góp sức người, sức của, sự hy sinh xương máu, với tất cả những gì mình có để đóng góp cho chiến thắng.
"Nghe trưa nay tháng năm, mùng bảy, trên đầu bay thác lửa hờn căm. Trông: Bốn mặt lũy hầm sụp đổ, tướng quân bay lố nhố cờ hàng. Trông: Chúng ta cờ đỏ sao vàng. Rực trời đất Điện Biên toàn thắng! Hoan hô chiến sỹ Điện Biên!."
Để có chiến thắng ấy, biết bao anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh, mãi mãi nằm lại tại Nghĩa trang Liệt sỹ A1, Nghĩa trang Him Lam, Nghĩa trang Độc Lập...
"Hỡi các chị, các anh, trên chiến trường ngã xuống, máu của anh chị, của chúng ta, không uổng, sẽ xanh tươi đồng ruộng Việt Nam..."
Từ Chiến thắng Điện Biên Phủ, trên nhiều mặt trận khác đã toàn thắng và ngày 10/10/1954, giải phóng Thủ đô, từ năm cửa ô, từng đoàn vệ quốc quân đã "tiến về Hà Nội."
Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), giữa thời đại mới, nhân loại vẫn đối mặt với câu hỏi về hòa bình và tự do. Cái giá nào dành cho hòa bình? Dân tộc Việt Nam đã có câu trả lời.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng nói: "Điện Biên Phủ là điểm hẹn mà lịch sử dành cho những cuộc chiến tranh xâm lược trong thời đại ngày nay."
Lịch sử Việt Nam đã trải qua bao thử thách. Mỗi khi có giặc ngoại xâm, tinh thần độc lập, khát khao tự do lại vượt lên tất cả. Điện Biên Phủ là minh chứng cho tinh thần và khát khao ấy, cũng là "điểm hẹn mà lịch sử dành cho các cuộc chiến tranh xâm lược."
Những thế hệ đi sau sẽ tiếp bước cha anh với tinh thần Điện Biên, phấn đấu xây dựng đất nước Việt Nam hòa bình, phát triển, ngày càng khẳng định vị thế trên trường quốc tế.../.
Chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những trận đánh nổi bật của thế kỷ XX
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến của Việt Nam chống thực dân Pháp được các học viện quân sự trên thế giới nghiên cứu và gọi là trận Stalingrad của Việt Nam.