Chấn chỉnh hoạt động khai thác cát trong lòng hồ Dầu Tiếng

Lợi dụng địa bàn giáp ranh giữa ba tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, mặt hồ rộng, nhiều tàu, thuyền từ phía Bình Dương, Bình Phước đã lén lút khai thác cát trái phép.
Chấn chỉnh hoạt động khai thác cát trong lòng hồ Dầu Tiếng ảnh 1Hoạt động khai thác cát khó kiểm soát ở lòng hồ Dầu Tiếng. (Ảnh: Thanh Tân/TTXVN)

Hồ Dầu Tiếng có diện tích mặt nước khoảng 270km2 với dung tích chứa 1,5 tỷ m3 nước, phần lớn nằm ở địa phận các huyện Dương Minh Châu, Tân Châu (Tây Ninh) và một phần nhỏ thuộc huyện Dầu Tiếng (Bình Dương), huyện Hớn Quản (Bình Phước).

Hồ Dầu Tiếng có chức năng chính là phục vụ tưới tiêu cho trên 100.000ha đất nông nghiệp các tỉnh Tây Ninh, Long An, huyện Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh) và vùng lân cận; đồng thời cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất công nghiệp cho các tỉnh Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh; điều tiết nước, "đẩy" mặn cho hạ du sông Sài Gòn, Đồng Nai vào mùa khô hạn. Những năm qua, tình trạng khai thác cát trong lòng hồ Dầu Tiếng đã để lại nhiều hệ lụy khiến nguồn nước bị ô nhiễm, tài nguyên khoáng sản bị tận thu quá mức.

"Đua nhau" cấp phép khai thác cát tận thu

Để khai thác nguồn tài nguyên đáp ứng nhu cầu cát xây dựng cho các địa phương trong vùng, tăng nguồn thu ngân sách, đồng thời nạo vét bồi lắng, bảo đảm dung tích nước chứa trong hồ, thời gian qua, Ủy ban Nhân dân các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước có chủ trương cấp phép cho các doanh nghiệp đầu tư thăm dò, khai thác cát trong lòng hồ Dầu Tiếng.

Bà Nguyễn Thị Hiếu - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh - cho biết từ năm 2011 đến nay, các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước đã cấp 18 giấy phép khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng với số tàu thuyền đăng ký là 112 chiếc, trong đó tỉnh Tây Ninh cấp 15 giấy phép với tổng công suất khai thác 420.100 m3 cát/năm.

[Tây Ninh mạnh tay xử lý nạn khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng]

Theo bà Nguyễn Thị Hiếu, nhu cầu cát xây dựng ngày càng tăng cao, giá cát tăng cao nhất là vào cao điểm mùa khô (mùa triển khai xây dựng) nên nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng có giấy phép khai thác khoáng sản để hợp đồng gia công với các chủ tàu không có giấy phép khai thác, tạo điều kiện cho tàu, thuyền bên ngoài vào trong hồ hoạt động trái phép. Các tàu này đã lợi dụng tập kết cát về bến bãi (không có giấy phép khai thác cát) bên phía Bình Dương để bán, dẫn đến tình trạng khai thác ngày đêm, tận thu quá mức; xe chở cát hoạt động ngày đêm, phá nát nhiều tuyến đường quanh hồ.

Bên cạnh đó, lợi dụng địa bàn giáp ranh giữa ba tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, mặt hồ rộng, nhiều tàu, thuyền từ phía Bình Dương, Bình Phước đã lén lút khai thác cát trái phép. Có thời điểm trên mặt hồ Dầu Tiếng xảy ra tình trạng tranh giành khai thác và khai thác cát quá mức khiến nguồn nước hồ đục ngầu.

Theo Sở Giao thông Vận tỉnh Bình Dương, hiện toàn tỉnh có bảy phương tiện thủy nội địa được cấp phép hoạt động trong khu vực lòng hồ Dầu Tiếng. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra mới đây của cơ quan chức năng ghi nhận có 23 phương tiện bơm hút cát đang neo đậu tại các bến thủy nội địa trong khu vực lòng hồ.

Chấn chỉnh hoạt động khai thác cát trong lòng hồ Dầu Tiếng ảnh 2Hoạt động khai thác cát khó kiểm soát ở lòng hồ Dầu Tiếng. (Ảnh: Thanh Tân/TTXVN)

Sở Giao thông Vận tải Bình Dương cho biết chủ các bến thủy nội địa có ký hợp đồng gia công khai thác cát với nhiều đơn vị được cấp giấy phép khai thác cát trên hồ Dầu Tiếng. Tuy nhiên, hợp đồng giữa đơn vị có giấy phép khai thác với các chủ bến thủy nội địa lại không ghi trữ lượng gia công khai thác cát, dẫn đến cơ quan chức năng không quản lý được khối lượng cát khai thác và phương tiện thủy trong lòng hồ.

Chấn chỉnh tình trạng tranh nhau khai thác cát trong lòng hồ

Việc tàu thuyền tranh nhau khai thác cát trong lòng hồ Dầu Tiếng đang là mối đe dọa gây ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước và an ninh trật tự. Mới đây, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh đã lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra hoạt động khai thác cát trong lòng hồ Dầu Tiếng. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 82 tàu, thuyền có trang bị phương tiện bơm, hút cát nhưng không nằm trong kế hoạch khai thác của các doanh nghiệp có đăng ký khai thác đang hiện diện trong hồ; trong đó số tàu đăng ký tại Bình Dương là 45 tàu, Tây Ninh có 20 tàu, còn lại 17 tàu không xác định được chủ phương tiện.

Sau đợt kiểm tra, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh đã đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương cùng phối hợp đẩy đuổi toàn bộ số tàu vi phạm trên ra khỏi mặt hồ nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép, bảo vệ môi trường nước hồ Dầu Tiếng; đồng thời đề nghị ba tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước rút giấy phép đối với 20 bến thủy nội địa. Những bến bãi này tuy được cấp phép tập kết, chuyên chở hàng hóa nhưng thực chất là để cho các tàu, thuyền chứa cát khai thác trái phép.

Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Tây Ninh cũng kiến nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước cần quy định chặt chẽ hơn đối với những doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản trong hồ Dầu Tiếng như: Không được sử dụng sà lan để bơm, hút cát để tránh ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước; các tàu, thuyền đăng ký khai thác phải gắn logo có đầy đủ thông tin của doanh nghiệp khai thác, số hiệu đăng ký, tọa độ khai thác và có xác nhận của Sở Tài nguyên và Môi trường. Việc làm này nhằm tạo thuận lợi hơn cho cơ quan chức năng trong quá trình kiểm tra, kiểm soát; chỉ được cấp phép bến thủy nội địa cho các tổ chức, cá nhân khi được cấp phép khai thác khoáng sản thuộc địa giới hành chính của tỉnh mình quản lý nhằm tránh tình trạng các bến thủy nội địa hoạt động theo kiểu "treo đầu dê, bán thịt chó"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục