Chân dung nghệ thuật người học trò xuất sắc của Hồ Chủ tịch

Các nghệ sỹ đã sử dụng nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau để tái hiện chân dung vị Tổng tư lệnh của Quân đội nhân dân Việt Nam - Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Chân dung nghệ thuật người học trò xuất sắc của Hồ Chủ tịch ảnh 1Tác phẩm chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp ghép từ sáu vạn que diêm được giới thiệu tại triển lãm (Ảnh: An Ngọc/Vietnam)

Những tác phẩm hội họa, đồ họa, điêu khắc và mỹ thuật ứng dụng… tái hiện chân dung “người anh cả” của quân đội nhân dân Việt Nam đang được giới thiệu tới công chúng tại triển lãm “Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua các tác phẩm nghệ thuật.”

Chương trình đã chính thức khai mạc vào sáng 27/4 tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (số 28A Điện Biên Phủ, Ba Đình, Hà Nội).

Đó phần lớn là những tác phẩm của các tác giả trẻ. Các nghệ sỹ đã sử dụng nhiều loại chất liệu khác nhau để tái hiện chân dung cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Điểm nhấn đặc biệt của triển lãm lần này là bộ vật phẩm gồm sáu hiện vật: Tượng chân dung Đại tướng bằng đồng mạ vàng; huy hiệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp; huy hiệu kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ; tác phẩm "Tự hào Việt Nam" được thực hiện từ vỏ đạn pháo 105mm; tác phẩm chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp và chiến thắng Điện Biên Phủ trên đồng tấm mạ vàng và ấn phẩm "Những anh hùng trên đồi A1" của Thiếu tướng-nhà văn Nguyễn Chu Phác.

Bên cạnh đó, triển lãm lần này còn giới thiệu tới công chúng một số tác phẩm hội họa, điêu khắc như: Tranh sơn dầu "Trận chiến đồi A1" của họa sỹ Mai Duy Minh, tranh sơn dầu chân dung Đại tướng khổ lớn của họa sỹ Đặng Xuân Hùng, tranh chân dung Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp bằng chất liệu sơn mài của họa sỹ Nguyễn Văn Tuân…

Không chỉ có vậy, hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng xuất hiện trong những bức tranh cổ động của họa sỹ Hà Huy Lê hay các tác phẩm điêu khắc của nghệ sỹ Trần Văn Thức.

Mặc dù không phải là một nghệ sỹ chuyên nghiệp nhưng bà Ngô Thị Thục cũng đã tạo nên một bức chân dung cố Đại tướng từ sáu vạn que diêm. “Tôi thực hiện tác phẩm bằng tất cả sự thành kính, ngưỡng mộ và biết ơn của thế hệ đi sau đối với Đại tướng,” bà Thục chia sẻ.

Ánh mắt rưng rưng hướng về bức tượng chân dung Đại tướng bằng đồng, Đại tá Nguyễn Huyên - người thư ký gắn bó với Đại tướng suốt 40 năm chia sẻ: “Mặc dù Đại tướng đã đi xa nhưng hình ảnh, những lời dạy của Người vẫn luôn vang vọng trong tâm trí mỗi chúng ta. Tôi vẫn luôn khắc ghi hình ảnh Đại tướng những ngày chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. 60 năm đã trôi qua nhưng tất cả vẫn như mới diễn ra ngày hôm qua.”

Theo Đại tá Nguyễn Huyên, những hoạt động như triển lãm lần này có ý nghĩa sâu sắc trong việc giáo dục thế hệ trẻ niềm tự hào về truyền thống dân tộc, lòng biết ơn đối với thế hệ cha anh đã không tiếc máu xương để giành lại hòa bình cho đất nước.

“Thông qua chương trình trưng bày lần này, chúng tôi hy vọng công chúng sẽ hiểu hơn về chân dung người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - một con người tài trí, đức độ, bao dung và giản dị,” đại diện ban tổ chức cho hay.

Triển lãm “Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua các tác phẩm nghệ thuật" nằm trong chuỗi hoạt động hướng tới kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2014).

Chương trình thuộc dự án “Danh tướng Việt Nam” do Hội Quán Di Sản và Circle Group phối hợp với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam, Liên hiệp Unesco Hà Nội tổ chức./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục