Khi nữ anh hùng Nguyễn Thị Minh Khai bị xử bắn năm 1941, bà đã nói: “Việc chúng tôi làm là chính nghĩa, vì muốn cho Tổ quốc chúng tôi được độc lập, dân chúng tôi được ấm no mà chúng tôi làm cách mạng. Chúng tôi không có tội gì…”
Giây phút can trường trước nòng súng kẻ địch cũng như quá trình hoạt động cách mạng của bà đã được tái hiện trong triển lãm“Sắt-Son” tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò, kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930-20/10/2021).
Liệt sỹ Nguyễn Thị Minh Khai là một trong số 500 nữ chiến sỹ cách mạng anh hùng được tôn vinh trong triển lãm lần này. Những cái tên của họ đã vẽ nên bức tranh Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ - điểm nhấn mang lại bất ngờ cho khách tham quan.
Triển lãm khắc họa chân dung những người phụ nữ Việt Nam với các đức tính cao đẹp, luôn hết lòng chăm lo cho hạnh phúc gia đình, yêu chồng, thương con thắm thiết. Khi Tổ quốc lâm nguy, các mẹ, các chị sẵn sàng động viên chồng con lên đường chiến đấu. Không chỉ là hậu phương vững chắc, chị em còn trực tiếp cầm súng bảo vệ quê hương. Với sức chịu đựng bền bỉ, ý chí kiên trung, phụ nữ Việt Nam đã vượt qua mọi hoàn cảnh khắc nghiệt trong chốn lao tù hay hiên ngang đối mặt với quân thù nơi chiến trường ác liệt.
[Tổng Bí thư Lê Hồng Phong - người con ưu tú của dân tộc Việt Nam]
Đó là câu chuyện của liệt sỹ Nguyễn Thị Quang Thái (1915-1944), cũng là người vợ đầu tiên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bà hy sinh sau hai năm sống dưới chế độ khắc nghiệt tại Nhà tù Hỏa Lò; của nữ anh hùng huyền thoại Võ Thị Sáu; nữ tướng Nguyễn Thị Định và "Đội quân tóc dài"; anh hùng Trần Thị Lý; nhà ngoại giao Nguyễn Thị Bình tại Hội nghị Paris năm 1973… Họ sẽ mãi là tấm gương sáng để thế hệ trẻ hôm nay noi theo và học tập.
Tiếp nối truyền thống, phụ nữ Việt Nam hôm nay luôn nỗ lực vượt qua rào cản về định kiến giới, năng động, sáng tạo, hăng say cống hiến để khẳng định vị trí, vai trò của mình trong thời đại mới.
Ở nội dung này, triển lãm tôn vinh nhiều gương mặt đại diện ở các lĩnh vực như nhạc sỹ Trần Kim Ngọc, vận động viên bơi lội Ánh Viên, tiến sỹ sử học Nguyễn Thị Hồng Cúc - người bảo vệ thành công luận án tiến sỹ ở tuổi 68…
“Nếu các bạn có một mục tiêu trong cuộc đời thì xa cỡ nào bạn cũng có thể đi tới. Không phải vì vấn đề gia đình hay tuổi tác, ngay cả khi về hưu, chúng ta vẫn có thể thực hiện được mục tiêu đời mình,” tiến sỹ Hồng Cúc chia sẻ.
Đó cũng là thông điệp mà ban tổ chức cuộc triển lãm muốn lan tỏa đến công chúng qua cuộc trưng bày đầy ý nghĩa này.
Được biết, triển lãm sẽ kéo dài tới hết tháng 5/2022 tại di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội để người dân và du khách có thể tới tham quan và tìm hiểu về những người phụ nữ Việt Nam tài năng qua các thời kỳ lịch sử./.