Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân huyện Ba Vì, hiện nay, chăn nuôi bò sữa trên địa bàn huyện Ba Vì đang gặp nhiều khó khăn.
Số liệu thống kê cho thấy, tính đến thời điểm ngày 30/8, theo kết quả tổng hợp, toàn huyện Ba Vì chỉ còn khoảng 8.600 con bò sữa, giảm 700 con so với cùng kỳ năm 2015 (giảm tương đương 7% tổng đàn so với cùng kỳ). Sản lượng sữa toàn huyện cũng chỉ đạt 60- 65 tấn/ngày (giảm 10% so với cùng kỳ).
Ông Ngô Vi Khả, Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì cho biết, xu hướng đàn bò sữa Ba Vì sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới và chăn nuôi bò sữa không phát triển bền vững do tình trạng một số hộ dân khi phối giống bò không phối tinh bò sữa phân ly giới tính (được nhà nước hỗ trợ tinh) mà phối các giống bò khác (như bò BBB, Bratman...).
“Nên nếu không có biện pháp hỗ trợ, khôi phục chăn nuôi thì người dân sẽ gặp nhiều khó khăn,” ông Ngô Vi Khả nói.
Ông Khả cũng cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện có 2 đơn vị thu mua sữa chính là Công ty cổ phần sữa Quốc tế IDP và Công ty cổ phần sữa Ba Vì (Vinh Nga cũ). Trong số đó, Công ty cổ phần sữa Quốc tế thu mua 80% sản lượng sữa toàn huyện, Công ty cổ phần sữa Ba Vì thu mua 12% sản lượng, phần còn lại người chăn nuôi bán cho các cơ sở chế biến sữa nhỏ lẻ và bán sữa tươi phục vụ khách du lịch.
Theo đó, giá sữa do Công ty cổ phần Sữa Quốc tế thu mua hiện nay là 10.200 đồng/kg sữa đảm bảo chất lượng (chưa kể thưởng 500 đồng/kg nông hộ đạt chuẩn), tính bình quân khoảng 9.500 đồng/1kg sữa; công ty cổ phần sữa Ba Vì thu mua với giá trung bình 10.000 đồng/kg.
“Như vậy, với giá thu mua sữa bình quân trên địa bàn huyện từ 9.500 – 10.000 đồng/kg các hộ chăn nuôi bò sữa vẫn có lãi, tuy nhiên lãi rất thấp dẫn đến tâm lý chán nản,” ông Khả cho hay.
Bên cạnh đó, chính sách thu mua sữa của các đơn vị trên địa bàn không tạo điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi nên một số hộ chăn nuôi đã bán bò, không đầu tư chăm sóc đàn bò dẫn đến tổng đàn và sản lượng sữa sụt giảm.
Mặt khác, ông Khả cũng cho biết, theo phản ánh của nhân dân, việc lấy mẫu kiểm tra đánh giá chất lượng sữa hiện người dân chưa được tham gia giám sát và không có đơn vị (bên thứ 3) kiểm tra đối chứng mà chủ yếu do các công ty thu mua tự thực hiện.
Do đó, nếu cơ quan quản lý Nhà nước không có biện pháp tháo gỡ khó khăn thì đàn bò Ba Vì sẽ tiếp tục sụt giảm, khó khôi phục tổng đàn, nhất là khi mùa đông đang đến gần (mùa đông sản lượng sữa thường cao, giá thu mua thường thấp hơn mùa hè nên dẫn đến tình trạng thừa sữa).
Trước tình hình trên để bảo vệ và khôi phục, phát triển đàn bò sữa; tạo vùng nguyên liệu sữa Ba Vì, ông Khả cũng đề nghị các lãnh đạo tổ chức làm việc với các đơn vị thu mua sữa trên địa bàn huyện để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi bò sữa.
Ông Khả cũng đề nghị cơ quan có thẩm quyền lấy mẫu sữa định kỳ để phân tích và công bố công khai để người dân có thể so sánh với kết quả phân tích chất lượng sữa của công ty thu mua.
“Mặt khác, đề nghị địa phương có cơ chế, chính sách về hỗ trợ sản xuất phát triển chăn nuôi bò sữa nhất là chăn nuôi quy mô lớn, ngoài khu dân cư nhằm duy trì và phát triển vùng nguyên liệu sữa truyền thống trên địa bàn,” ông Khả nhấn mạnh./.