Đến nay, thành phố Hà Nội đã 5 năm (1997-2022) thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên có Nghị quyết chuyên đề về công nghiệp văn hóa, thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thủ đô tiên phong phát triển công nghiệp văn hóa, nhằm thực hiện mục tiêu kép vừa gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa ngàn năm, vừa đưa công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Với sự quan tâm rất đặc biệt cho văn hóa, 5 năm qua thành phố đã dành nguồn lực lớn cho sự nghiệp văn hóa thông tin với số tiền trên 5.207 tỷ đồng. Ủy ban Nhân dân thành phố đã công nhận 27 khu du lịch, điểm du lịch cấp thành phố; ký kết hợp tác du lịch với 40 tỉnh, thành phố trong cả nước; ký kết hợp tác kích cầu du lịch với các hãng hàng không trong nước là Vietnam Airlines, VietjetAir, Bamboo Airways.
Hà Nội đã có 85 doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển ôtô, đường sắt, hàng không; 21 khách sạn, cơ sở mua sắm; 10 khu, điểm du lịch hưởng ứng đăng ký tham gia chương trình liên minh kích cầu, hơn 346 tour kích cầu được ngành du lịch thành phố triển khai. Hà Nội cũng thực hiện Kế hoạch hợp tác giữa thành phố Hà Nội và các vùng, Thủ đô của các nước như thủ đô Athens (Hy Lạp), vùng Ile-de-France (Pháp), Singapore, Hàn Quốc, Australia..., nâng tổng số lên trên 100 vùng, lãnh thổ có mối quan hệ hợp tác với Hà Nội.
Thành phố đã thực hiện Chương trình tuyên truyền quảng bá hình ảnh lịch sử, văn hóa, con người Hà Nội, Việt Nam thường xuyên liên tục trên kênh CNN Quốc tế; phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức thành công Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam-VITM Hà Nội nhiều năm liên tiếp.
[Phát huy giá trị văn hóa, tạo nguồn lực nội sinh để phát triển Thủ đô]
Đặc biệt, Hà Nội đã làm “cuộc cách mạng” nâng cao năng lực cán bộ; phối hợp với các cơ sở đào tạo có uy tín đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng 69 khóa học với tổng số gần 6.000 nhân lực của ngành gồm cán bộ công tác quản lý nhà nước về du lịch, cộng đồng dân cư tại điểm đến, hướng dẫn viên du lịch, lái xe và người phục vụ trên xe ôtô vận chuyển khách du lịch.
Qua đó, tổng thu từ khách du lịch tăng hàng năm, trong đó năm 2016, đạt 61.778 tỷ đồng, năm 2017 đạt 70.958 tỷ đồng, năm 2018 đạt 77.480 tỷ đồng, năm 2019 đạt 103.812 tỷ đồng. Giai đoạn 2020-2021 do dịch COVID-19 nên tổng thu của du lịch giảm sút. Năm 2022, du lịch Thủ đô đã phục hồi mạnh mẽ, tổng thu từ khách du lịch ước đạt trên 60 nghìn tỷ đồng, tăng 5,3 lần so với năm 2021.
Sau 5 năm thực hiện, Ủy ban Nhân dân thành phố đánh giá việc thưc hiện chiến lược có thuận lợi. Hà Nội là Thủ đô ngàn năm văn hiến, trung tâm văn hóa lớn của cả nước; là nơi hội tụ, kết tinh và tài sản văn hóa, văn minh của dân tộc; nơi hội nhập, giao thoa, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại. Tài nguyên văn hóa của thành phố là tiềm năng, thế mạnh riêng có, vượt trội so với các tỉnh, thành phố trong nước, cùng như nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Thủ đô có 5.922 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 2.396 di tích đã được xếp hạng là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt, di sản thế giới. Hà Nội cũng có 1.793 di sản văn hóa phi vật thể được nhận diện, kiểm kê đưa vào danh sách để bảo vệ, trong đó có 1.206 lễ hội; 215 tập quán xã hội và tín ngưỡng; 175 nghề thủ công truyền thống; 106 di sản về tri thức dân gian; 79 nghệ thuật trình diễn dân gian; 14 di sản về ngữ văn dân gian.
Thành phố có 1.350 làng nghề thủ công, 42 bảo tàng, 83 thư viện, 48 trường đại học, 18 nhà hát, 43 rạp chiếu phim; hơn 3.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thiết kế, nghệ thuật, văn hóa, thời trang. Hà Nội cũng có có nguồn lực con người to lớn với trên 51,7% dân số trẻ (cơ cấu dân số vàng); tập trung nhiều nhà khoa học hàng đầu, chiếm hơn 65% tổng số các nhà khoa học trong cả nước…
Hà Nội được trao tặng nhiều danh hiệu cao quý, như UNESCO công nhận danh hiệu “Thành phố vì Hòa bình." Năm 2019, Hà Nội chính thức gia nhập Mạng lưới các thành phố Sáng tạo của UNESCO ở lĩnh vực thiết kế. Đây vừa là nguồn lực quan trọng, vừa là thương hiệu tạo nên động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa.
Thời gian tới, thành phố tiếp tục triển khai nhiều giải pháp lớn cho phát triển công nghiệp văn hóa. Đó là tập trung phát triển một số ngành sẵn có lợi thế, tiềm năng, như du lịch văn hóa, thủ công mỹ nghệ, nghệ thuật biểu diễn; đồng thời quan tâm phát triển các ngành kiến trúc, điện ảnh, truyền hình, phát thanh, xuất bản, thời trang... Thành phố xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực; triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch thực hiện cam kết với UNESCO khi tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo.
Hà Nội cũng đề ra 8 nhiệm vụ lớn cho phát triển công nghiệp văn hóa là đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về công nghiệp văn hóa; tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực; tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ; phát triển thị trường công nghiệp văn hóa; thu hút, hỗ trợ đầu tư; mở rộng giao lưu, hợp tác trong nước và quốc tế về văn hóa; tập trung xây dựng, phát triển, định vị thương hiệu “Thành phố sáng tạo” của UNESCO.
Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 sẽ đón, phục vụ trên 30 triệu lượt khách du lịch (trong đó có trên 7 triệu lượt khách du lịch quốc tế). Tổng thu từ khách du lịch đạt trên 130.000 tỷ đồng. Tỷ lệ đóng góp tổng hợp của ngành du lịch vào GRDP thành phố đạt trên 8%. Định hướng đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội sẽ đón, phục vụ trên 48 triệu lượt khách du lịch (trong đó có trên 11,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế). Tổng thu từ khách du lịch đạt trên 230.000 tỷ đồng. Tỷ lệ đóng góp tổng hợp ngành du lịch vào GRDP thành phố phấn đấu đạt khoảng 12%./.