Bức tranh kinh tế thế giới với nhiều gam màu xám đã tác động không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong 2/3 chặng đường vừa qua. Tuy nhiên, với ngành dệt may, mục tiêu xuất khẩu đề ra từ đầu năm đang dần thành hiện thực.
Để hiểu rõ hơn những kết quả của ngành dệt may, ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã có một số trao đổi với phóng viên liên quan đến hoạt động của ngành.
[EVFTA: 'Chìa khoá' giúp doanh nghiệp tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng]
- Nhìn lại 2/3 chặng đường vừa qua, ông có đánh giá như thế nào đối với hoạt động xuất khẩu của dệt may của Việt Nam?
Ông Cao Hữu Hiếu: Theo thống kê, hết tháng Chín, tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành dệt may ước đạt 29,3 tỷ USD.
Mặc dù thời gian qua có rất nhiều khó khăn về thị trường xuất khẩu, song từ nay đến cuối năm, con số xuất khẩu 40 tỷ USD như kế hoạch đề ra đang dần thành hiện thực.
Có được kết quả trên là một nỗ lực rất lớn của ngành dệt may Việt Nam, bởi đặt trong điều kiện kinh tế thế giới khó khăn, để đạt được con số trên phải thực hiện đồng bộ rất nhiều giải pháp.
- Đâu là khó khăn lớn nhất mà ngành dệt may phải đối mặt trong thời gian qua, thưa ông?
Ông Cao Hữu Hiếu: Trước hết khó khăn đến với ngành sợi. Do tác động của cuộc chiến thương mại, trong những tháng đầu năm 2019, giá sợi giảm rất sâu so với cùng kỳ năm trước.
Trong bối cảnh này, nếu doanh nghiệp nào đầu tư không bài bản, không lấy chất lượng là số 1 chắc chắn phải đối mặt với khó khăn và có thể sẽ phải đóng cửa.
Riêng Vinatex, ngay từ khi đầu tư, tập đoàn đã xác định lấy chất lượng là tiêu chuẩn hàng đầu, vì vậy các doanh nghiệp trong tập đoàn vượt qua khó khăn, đặc biệt là không quá phụ thuộc vào một thị trường để giảm thiểu rủi ro. Hiện, nhiều nhà máy của Vinatex đã tham gia vào chuỗi cung ứng cho dệt, vải để có thị phần nhất định.
Đặc biệt, sau thời gian trầm lắng, đến giờ phút này, ngành sợi đã bắt đầu khởi sắc, khách hàng quan tâm nhiều hơn, giá sợi cũng tăng lên. Chúng tôi hy vọng quy luật của thị trường sẽ tự sắp xếp lại và trong một năm nữa sẽ có bứt phá, tăng trưởng như giai đoạn 2016-2017.
- Là một doanh nghiệp có thị phần lớn nhất trong ngành dệt may, liệu những khó khăn của thị trường có ảnh hưởng đến việc hoàn thành mục tiêu đề ra từ đầu năm không thưa ông?
Ông Cao Hữu Hiếu: Dù thị trường thế giới rất nhiều khó khăn, song đối với Tập đoàn Dệt may Việt Nam, đến giờ phút này cho thấy, các chỉ tiêu tài chính được đặt ra từ đầu năm đều cơ bản hoàn thành và tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ năm 2018.
Phải khẳng định đây là nỗ lực rất lớn của Vinatex và phải bằng nhiều giải pháp mới có thể vượt qua được năm 2019 trong bối cảnh thị trường rất nhiều thách thức.
Trên thực tế, dù một số hiệp định thương mại như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) được ký kết, nhưng để tận dụng tối đa được các ưu đãi đòi hỏi các doanh nghiệp phải nỗ lực rất nhiều.
- Nhiều ý kiến cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ tác động rất lớn tới ngành dệt may, nhất là vấn đề lao động, vậy ông đánh giá thế nào từ thực tế của ngành?
Ông Cao Hữu Hiếu: Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ đang được triển khai rất mạnh mẽ, nhất là lĩnh vực dệt may. Hiện nhiều doanh nghiệp của Vinatex đã đầu tư thêm nhiều thiết bị cắt, trải vải tự động để thay thế vị trí đang chiếm dụng nhiều lao động, đầu tư thiết kế 3D, kể cả những công đoạn đòi hỏi độ chính xác cao…
Tuy vậy, dệt may là ngành thời trang, việc sáng tạo của con người rất quan trọng nên có những công đoạn máy móc chưa thể thay thế được con người.
Khảo sát đánh giá từ khoảng 150 doanh nghiệp trong ngành cho thấy, cơ hội việc làm đối với ngành may trong vòng 10 năm tới vẫn còn lớn.
Trong khi đó, với ngành sợi, nhuộm, với tốc độ phát triển rất nhanh của công nghệ, đặc biệt tốc độ tự động hoá cũng rất mạnh mẽ nên hai lĩnh vực này sẽ chịu rất nhiều áp lực hơn.
- Xuất khẩu dệt may vào một số thị trường trong 9 tháng:
- Chỉ còn hơn 2 tháng nữa sẽ kết thúc năm 2019, vậy ngành đã triển khai những giải pháp gì đề hiện thực hóa con số 40 tỷ USD xuất khẩu, thưa ông?
Ông Cao Hữu Hiếu: Hiện nay, các doanh nghiệp trong ngành đang tập trung mọi giải pháp để đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt là thị trường sợi sau một thời gian bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh thương mại, đang trên đà phục hồi.
Chúng tôi rất hy vọng với tăng trưởng của ngành sợi, cộng với tăng trưởng rất ổn định của ngành may những tháng cuối năm này các đơn vị thuộc Vinatex sẽ hoàn thành kế hoạch năm 2019 góp phần chung vào kế hoạch chung là xuất khẩu 40 tỷ USD của cả ngành.
- Ông đánh giá thế nào về thị trường nội địa, liệu có những đột phá nào so với năm 2018?
Ông Cao Hữu Hiếu: Theo đánh giá, với tiềm năng của ngành dệt may nội địa ước vào khoảng 9 tỷ USD thì đây là cuộc chơi lớn. Ngoài các thương hiệu uy tín thế giới đã đầu tư trước đây thì năm 2020, thương hiệu Uniqlo của Nhật Bản cũng sẽ hiện diện tại Việt Nam.
Trước những áp lực trên, về phía Vinatex, ngoài Trung tâm thời trang tại địa chỉ 25 Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm được đánh giá là khá thành công thì trong năm 2019, tập đoàn đã đưa thêm một trung tâm thương mại về thời trang tại 57 Phan Chu Chinh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Với bối cảnh hiện nay, ngành dệt may Việt Nam sẽ tìm ra con đường riêng cho thời trang Việt Nam đến với công chúng trong nước theo con đường riêng với thiết kế riêng và phù họp với người Việt Nam để có thể khẳng định vị thế ngay trên sân nhà.
Cụ thể hơn, Vinatex tập trung nghiên cứu đi vào bộ thiết kế cho người Việt Nam, chất liệu phù hợp với người Việt Nam, phù hợp với từng phân khúc trong ngành dệt may để khẳng định những sản phẩm mà doanh nghiệp nội đưa ra đảm bảo về chất lượng, giá cả phù hợp, tăng tính cạnh tranh.
- Xin cảm ơn ông./.