Chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên-Môi trường về các vấn đề "nóng"

Các vấn đề về quản lý đất đai, cấp sổ đỏ và tài nguyên khoáng sản là các vấn đề "nóng" mà các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung chất vấn Bộ trưởng.
Chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên-Môi trường về các vấn đề "nóng" ảnh 1Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang trả lời chất vấn tại phiên họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Sáng 29/9, tại phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang.

Phiên chất vấn được tổ chức dưới hình thức trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố và tường thuật trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam để đông đảo cử tri và nhân dân cùng theo dõi.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá các phiên chất vấn vừa qua trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các phiên giải trình tại các Ủy ban và Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã được đổi mới và đạt được nhiều kết quả, qua đó đã thúc đẩy các hoạt động kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác và nâng cao đời sống của nhân dân.

Tại phiên chất vấn này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam.

Bộ trưởng và Trưởng ngành sẽ tập trung trả lời hai nội dung lớn: việc thực hiện những lời hứa tại phiên chất vấn trước và những vấn đề cần tập trung triển khai trong giai đoạn tiếp theo.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang và đại diện một số bộ, ngành có liên quan đã tập trung trả lời về việc xử lý tồn đọng khiếu nại, tố cáo về đất đai của công dân; công tác quy hoạch sử dụng đất, tình hình sử dụng đất trồng lúa và chủ trương chuyển đổi cây trồng đối với đất trồng lúa; biện pháp khắc phục tình trạng sử dụng đất lãng phí; kết quả cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; trách nhiệm quản lý nhà nước về khai thác tài nguyên, khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình sẽ tập trung trả lời về việc thực hiện chính sách tiền tệ, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; kết quả xử lý nợ xấu; việc cung ứng tín dụng cho nền kinh tế, đảm bảo tăng trưởng kinh tế năm 2014 và kế hoạch năm 2015. 

Còn chậm trễ trong cấp sổ đỏ

Mở đầu phiên họp, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương chất vấn, việc cấp sổ đỏ thời gian qua ở Hà Nội rất chậm trễ, có biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu, trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường?

Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho rằng chậm trễ có nhiều nguyên nhân, trong đó có sự nhũng nhiễu như phản ánh của người dân và có cả trách nhiệm Văn phòng đăng ký đất đai của địa phương, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Bộ trưởng đánh giá, tại Hà Nội, tình hình này khá phức tạp. Thực hiện nhiệm vụ của mình, Bộ đã cử nhiều đoàn công tác xuống làm việc, kiểm tra, đến nay tình hình đã được cải thiện hơn.

Trong thời gian tới, Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác hướng dẫn và thanh tra, kiểm tra.

“Thủ tục cấp sổ đỏ hiện nay đã được rút ngắn hơn nhiều, tuy nhiên, việc thực hiện của các cơ quan thế nào đòi hỏi sự vào cuộc của các cơ quan thanh tra,” Bộ trưởng nhấn mạnh.

Chất vấn về sự quản lý lỏng lẻo, lãng phí đất đai tại các nông, lâm trường, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Danh Út đặt vấn đề, hiện các nông, lâm trường đang quản lý rất nhiều đất đai nhưng nhiều diện tích để hoang phí, trong khi đó còn có nhiều hộ đồng bào dân tộc thiếu đất ở, đất sản xuất. Mặt khác, tới nay, cả nước cấp sổ đỏ đạt hơn 80% nhưng tại các nông, lâm trường tỷ lệ này lại rất thấp.

“Phải chăng đất đai do các lâm trường quản lý chỉ còn nằm trên sổ sách, còn thực tế đã bị chiếm dụng, bị tranh chấp?” đại biểu đặt vấn đề.

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang thẳng thắn thừa nhận đúng như cử tri phản ánh, việc sử dụng, quản lý đất đai tại các nông, lâm trường thời gian qua chưa hiệu quả; kết quả sắp xếp các đơn vị này cũng còn hạn chế.

Bộ trưởng cho biết thực hiện Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp, lần này sẽ giải quyết dứt điểm, không để kéo dài.

Tuy nhiên, để làm được, Bộ trưởng nhấn mạnh cần có sự phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương. Riêng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có hướng dẫn các nông, lâm trường đo vẽ diện tích còn lại (ngoài diện tích đã giao) để cấp giấy chứng nhận.

“Bộ Tài nguyên Môi trường sẽ tập trung hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và đến năm 2015 sẽ hoàn thành việc đo vẽ đất nông, lâm trường,” Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang khẳng định.

Bộ trưởng cũng lý giải thêm, nguyên nhân chậm trễ cấp giấy chứng nhận tại các nông, lâm trường, thực tế do các nông, lâm trường hoạt động rất khó khăn. Hầu hết các đơn vị đã chuyển sang mô hình Ban quản lý, hằng năm không có kinh phí đo vẽ. Hướng xử lý khi thu hồi đất vi phạm tại các nông, lâm trường sẽ ưu tiên cho các hộ đồng bào đang thiếu đất ở, đất sản xuất, giúp đồng bào ổn định đời sống.

Xử lý nghiêm việc “rút ruột quốc gia” dưới các hình thức

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Đỗ Văn Đương cho biết xử lý vi phạm khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản rất nhẹ. Đại biểu nhận định đây là hành vi "rút ruột quốc gia," hủy hoạt nghiêm trọng môi trường, chiếm đoạt quyền lợi của nhân dân mà việc xử lý hiện còn rất nhẹ.

“Người dân cho rằng phải có sự tiếp tay của cán bộ có thẩm quyền trong cấp phép cho đối tượng khai thác khoáng sản như cát tặc, lâm tặc? Một tàu hút cát trên sông Hồng thu được 50-60 triệu đồng, không dễ gì mà lấy được giấy phép đó,” đại biểu Đỗ Văn Đương đặt vấn đề.

Liên quan đến xử phạt của Nhà nước về khai thác tài nguyên môi trường trái phép, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tuyết Liên (Sóc Trăng) đặt vấn đề, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tình hình khai thác cát trái phép trên sông Hậu thường xuyên xảy ra với thủ đoạn tinh vi.

Lợi dụng điều kiện giáp ranh giữa các địa phương, các đối tượng khai thác liên tục di chuyển địa điểm làm cho các cơ quan chức năng khó quản lý. Tình trạng này gây hậu quả nghiêm trọng làm thay đổi dòng chảy, gây sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến đời sống sản xuất, nguy hiểm đến tình mạng, đời sống của người dân, gây bức xúc trong dư luận.

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nêu rõ, vấn đề khai thác cát trái phép trên sông, gây sạt lở và nhiều hậu quả cho người dân hai bên bờ sông và đối với khu vực giáp ranh, Bộ đã báo cáo Chính phủ và đang khẩn trương xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản.

Bộ tiếp tục tiến hành rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản để chính thức công bố danh mục các văn bản đã hết hiệu lực, cần bãi bỏ; các văn bản đang còn hiệu lực hoặc còn hiệu lực một phần và kế hoạch xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản cần ban hành mới hoặc thay thế.

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chủ trì, phối hợp với các Bộ: Xây dựng, Giao thông, Vận tải và Ủy ban Nhân dân một số tỉnh, thành phố liên quan kiểm tra hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông và việc triển khai các dự án nạo vét, khơi thông luồng hàng hải kết hợp thu hồi sản phẩm là cát để đề xuất các giải pháp quản lý theo quy định của Luật Khoáng sản.

Đặc biệt, Bộ tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các dự án cố tình kéo dài thời gian, không thực hiện nghĩa vụ khi giấy phép hết hạn; khai thác không có thiết kế, gây mất an toàn lao động, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; không thực hiện nghĩa vụ thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản...

Bộ trưởng cho rằng, thực tế, hoạt động trên sông kiểm tra rất phức tạp, nếu không tổ chức tốt các lực lượng liên ngành tại các địa phương như Sở Tài nguyên Môi trường, công an địa phương rất khó có hiệu quả.

Cùng tham gia trả lời về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết, vấn đề cấp phép khai thác có 8 vấn đề cần lưu ý.

Thứ nhất là việc cấp phép không đúng thẩm quyền. Thứ hai, cấp phép khi không có đăng ký kinh doanh ngành nghề thăm dò khai thác khoáng sản. Thứ ba là cấp phép thăm dò không thông qua hình thức lựa chọn tổ chức, cá nhân, không đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Thứ tư, cấp phép khai thác khi hồ sơ không có dự án đầu tư khoáng sản. Thứ năm, cấp phép khi không có giấy chứng nhận đầu tư.

Thứ sáu, cấp phép khi chưa có quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Thứ bảy, cấp phép khi hồ sơ không có báo cáo đánh giá tác động môi trường. Thứ tám, cấp phép khi chưa được phê duyệt trữ lượng khoáng sản.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Lê Quý Vương cho rằng công tác quản lý, giám sát sau cấp phép tại một số địa phương chưa thực hiện kiên quyết nên xảy ra sơ hở.

Khiếu nại, tố cáo vẫn diễn ra phức tạp

Đại biểu Võ Thị Hồng Thoại (Bạc Liêu), Ngô Văn Minh (Quảng Nam) và nhiều ý kiến khác phản ánh tình hình khiếu nại, tố cáo liên quan tới đất đai, môi trường rất phức tạp nhưng đến nay vẫn chưa được cải thiện.

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang đánh giá do nhiều nguyên nhân, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân vẫn diễn ra gay gắt, tính chất phức tạp; vẫn còn nhiều vụ việc đông người, kéo dài nhiều năm như vụ khiếu nại, tố cáo của các hộ dân có đất thu hồi để thực hiện dự án khu đô thị Thương mại- Du lịch Văn Giang (Hưng Yên).

Nguyên nhân được Bộ trưởng đánh giá do việc sử dụng đất thiếu ổn định (do thực hiện chính sách đất đai; do cho thuê, cho mượn, cầm cố đất, cho ở nhờ, ở đậu...). Chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai qua các thời kỳ có nhiều thay đổi bất cập, trong thời gian ngắn có nhiều văn bản được ban hành gây lúng túng trong việc tổ chức thực hiện.

Việc văn bản được ban hành sau lại quy định theo hướng có lợi hơn cho người sử dụng đất gây ra sự so bì, cố tình không bàn giao đất và nhận tiền bồi thường để khiếu nại, yêu cầu được áp dụng chính sách mới. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng có nhiều bất cập, nhất là trong việc định giá đất bồi thường, giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo về giải quyết khiếu nại, tố cáo một số nơi còn thiếu quyết liệt, nhận thức về pháp luật và trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của một bộ phận cán bộ còn yếu, thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc chưa quan tâm đến quyền và lợi ích chính đáng của người khiếu nại.

Nhận thức của người dân về chính sách, pháp luật về khiếu nại, tố cáo nhìn chung còn nhiều hạn chế; nhiều trường hợp người dân mặc dù hiểu rõ các quy định của pháp luật, song cố tình không chấp hành...

Tham gia làm rõ hơn về nội dung này, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đề xuất cần tiếp tục hoàn thiện về thể chế chính sách, trong đó đặc biệt chú trọng tới chất lượng của văn bản pháp luật và đánh việc việc thực hiện.

Nâng cao việc thực hiện giải quyết, khiếu nại tố cáo của công dân kết hợp với việc triển khai thực hiện Luật tiếp công dân. Qua thường xuyên đối thoại để tháo gỡ, khắc phục tình trạng này. Các cơ quan hữu quan cần tăng cường tuyên truyền pháp luật để người dân hiểu rõ hơn về quyền và nghĩa vụ của mình.

Tổng thanh tra cho biết, thời gian tới ngành thanh tra sẽ phối hợp cùng Bộ Tài nguyên và Môi trưởng và các địa phương trong giải quyết khiếu nại, tố cáo và tổ chức kiểm tra, giám sát đôn đốc; tổ chức các cuộc thanh tra trách nhiệm của Ủy ban các cấp, các bộ ngành trong lĩnh vực này...

Phát biểu kết luận nội dung phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, Bộ trưởng đã thẳng thắn, trả lời nghiêm túc các nội dung liên quan tới lĩnh vực quản lý ngành.

Qua chất vấn và trả lời chất vấn đã làm rõ được các nội dụng về xử lý tồn đọng khiếu nại, tố cáo về đất đai của công dân. Công tác quy hoạch sử dụng đất, tình hình sử dụng đất trồng lúa và chủ trương chuyển đổi cây trồng đối với đất trồng lúa; biện pháp khắc phục tình trạng sử dụng đất lãng phí. Kết quả cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trách nhiệm quản lý nhà nước về khai thác tài nguyên, khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường.

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cần nghiêm túc tiếp thu và khẩn trương phối hợp cùng các bộ, ngành có liên quan tìm biện pháp để các vấn đề đặt ra trong phiên chất vấn này sẽ được triển khai tốt hơn trong thời gian tới.

Chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình về việc thực hiện chính sách tiền tệ, tái cơ cấu hệ thống nhân hàng thương mại, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; kết quả xử lý nợ xấu. Việc cung ứng tín dụng cho nền kinh tế, đảm bảo tăng trưởng kinh tế năm 2014 và kế hoạch năm 2015./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục