Châu Âu phối hợp đối phó nguy cơ gián đoạn nguồn cung khí đốt từ Nga

Trước đó, Đức đã kích hoạt kế hoạch khẩn cấp về khí đốt do lo ngại tình trạng gián đoạn nguồn cung nếu các nước phương Tây từ chối yêu cầu của Nga về việc thanh toán hợp đồng khí đốt bằng đồng ruble.
Châu Âu phối hợp đối phó nguy cơ gián đoạn nguồn cung khí đốt từ Nga ảnh 1Trạm nén khí của Hệ thống đường ống dẫn khí Nord Stream 2, cung cấp khí đốt từ Nga sang Đức qua biển Baltic, tại Lubmin (Đức). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 30/3, Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu (EC) phụ trách chính sách khí hậu Frans Timmermans cho biết cơ quan này sẽ phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống thiếu hụt khí đốt, sau khi Đức kích hoạt một kế hoạch khẩn cấp để quản lý nguồn cung khí đốt trong trường hợp xảy ra tình trạng gián đoạn dòng chảy khí đốt từ Nga.

Trả lời họp báo, ông Timmermans nêu rõ: "Chúng tôi đã sẵn sàng cho mọi trường hợp như vậy. Tất nhiên, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với các quốc gia thành viên để ai cũng sẵn sàng cho những tình huống tương tự."

Đồng quan điểm, cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire khẳng định nước này đã cân nhắc mọi kịch bản, trong đó có cả khả năng Nga đưa ra quyết định chấm dứt cung cấp khí đốt cho châu Âu.

Ông Le Maire nhấn mạnh kịch bản như vậy sẽ là "thảm họa" song vẫn cần được cân nhắc tới.

Trong khi đó từ Hy Lạp, Bộ Môi trường và Năng lượng Hy Lạp thông báo Bộ trưởng  Kostas Skrekas đang triệu tập cuộc họp bất thường để thảo luận về kiến nghị của Nga về việc thanh toán hợp đồng khí đốt bằng đồng ruble và đánh giá các phương án thay thế để đảm bảo đủ nguồn cung khí đốt cho nước này trong trường hợp Nga chấm dứt xuất khẩu khí đốt cho châu Âu.

Trước đó, Đức đã kích hoạt kế hoạch khẩn cấp về khí đốt do lo ngại tình trạng gián đoạn nguồn cung nếu các nước phương Tây từ chối yêu cầu của Nga về việc thanh toán hợp đồng khí đốt bằng đồng ruble.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết nước này đã kích hoạt biện pháp "cảnh báo sớm," giai đoạn đầu trong kế hoạch khẩn cấp về khí đốt gồm ba giai đoạn.

[Châu Âu sẽ gặp khó trong dự trữ khí đốt nếu không có nguồn cung từ Nga]

Trong giai đoạn đầu của kế hoạch, Bộ Kinh tế Đức sẽ thành lập một cơ quan phụ trách vấn đề khủng hoảng năng lượng. Theo ông Habeck, quyết định này được đưa ra như một biện pháp phòng ngừa và nhằm đảm bảo Đức có đủ nguồn cung khí đốt.

Bộ trưởng Habeck cho biết dự trữ khí đốt của Đức hiện ở mức tương đương 25% công suất. Tuy nhiên, ông cảnh báo dù Đức vẫn đảm bảo được nguồn cung, việc Nga ngừng cung cấp khí đốt sẽ gây ra những hậu quả "nghiêm trọng."

Tuy nhiên, theo Chính phủ Đức, trong cuộc điện đàm diễn ra ngày 30/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói với Thủ tướng Đức Olaf Scholz rằng châu Âu có thể tiếp tục thanh toán tiền mua khí đốt của Nga bằng đồng euro thay vì đồng ruble như thông báo trước đây.

Nga trước đó thông báo sẽ nghiên cứu ý tưởng mở rộng danh sách các mặt hàng xuất khẩu được thanh toán bằng đồng ruble.

Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Vyacheslav Volodin đã cảnh báo rằng ngũ cốc, kim loại, phân bón, than và gỗ có khả năng cũng sẽ được thanh toán theo hình thức tương tự./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.