Chèo bắt nguồn từ âm nhạc và múa dân gian, nhất là trò nhại từ thế kỷ X. Qua thời gian, người Việt đã phát triển các tích truyện ngắn của Chèo dựa trên các trò nhại này thành các vở diễn trọn vẹn dài hơn. Trong ảnh: Diễn viên Lê Văn Thơm và Thanh Mai (Nhà hát Chèo Việt Nam) với vai diễn Phù Thủy và Hỷ Đồng trong trích đoạn Phù Thủy sợ ma. (Ảnh: Văn Đạt/TTXVN) Nghệ sỹ ưu tú Thu Huyền vào vai Thị Màu, trong trích đoạn Thị Màu lên chùa nổi tiếng của vở chèo Quan Âm Thị Kính. (Ảnh: TTXVN phát) Là hình thức sân khấu dân gian in đậm bản sắc văn hóa dân tộc, mỗi lần tiếng hát chèo vang lên lại đồng vọng sâu xa trong tâm trí mỗi người chúng ta tình cảm thiết tha về cội nguồn quê hương xứ sở. Trong ảnh: Biểu diễn Chèo truyền thống dân tộc Việt Nam tại Trụ sở UNESCO, thủ đô Paris (Pháp). (Ảnh: TTXVN phát) Nhạc cụ chính được sử dụng trong chèo truyền thống là đàn nhị, đồng thời dùng thêm trống con và mõ. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN) Nhằm kéo khán giả đến với nghệ thuật chèo, thời gian qua, các nghệ sỹ đã cố gắng đưa đề tài đương đại vào chèo. Nghệ thuật Chèo với đề tài hiện đại luôn là mối quan tâm không chỉ của riêng “làng Chèo” - mà còn của cả giới sân khấu và các cơ quan quản lý Nhà nước. Trong ảnh: Vở diễn Cánh chim trắng trong đêm do diễn viên Nhà hát Chèo Hà Nội biểu diễn. (Ảnh: Hải Yến/TTXVN) Chèo luôn gắn với chất trữ tình, thể hiện những xúc cảm và tình cảm cá nhân của con người, phản ánh mối quan tâm chung của nhân loại: tình yêu, tình bạn, tình thương. Trong ảnh: Trích đoạn Ông Chài do các diễn viên của Nhà hát Chèo Thái Bình biểu diễn. (Ảnh: Văn Đạt/TTXVN) Làng Khuốc, xã Phong Châu, huyện Ðông Hưng (Thái Bình) được coi là nơi khởi nguồn của chèo - bộ môn nghệ thuật độc đáo của quê chèo Thái Bình, của ngành Chèo Việt Nam. Diễn Chèo đã trở thành nếp sống, lối sống, huyết mạch, là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với mỗi người dân làng Khuốc. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN) Thế hệ nghệ sỹ sau nối tiếp thế hệ trước, giữ nghề bằng cách truyền nghề trực tiếp, bắt tay chỉ ngón, dạy từng cách diễn, cách hát. Trong ảnh: Một buổi tập của diễn viên Nhà hát Chèo Việt Nam. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN) Chèo là một môn nghệ thuật sân khấu dân gian có ảnh hưởng rất sâu rộng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân lao động vùng đồng bằng Bắc Bộ. Trong ảnh: Tiết mục trích đoạn Trương Viên của chiếu Chèo thôn 7, xã Nghĩa Lâm, Nam Định. (Ảnh: Đinh Tuấn/TTXVN) Thế hệ nghệ sỹ sau nối tiếp thế hệ trước, giữ nghề bằng cách truyền nghề trực tiếp, bắt tay chỉ ngón, dạy từng cách diễn, cách hát hay trang phục biểu diễn. Trong ảnh: Nghệ nhân Vũ Thị Lan (bên trái), làng Khuốc, xã Phong Châu, huyện Ðông Hưng (Thái Bình) được coi là nơi khởi nguồn của chèo, hướng dẫn cháu Hoàng Mai Trang cách mặc trang phục chèo truyền thống. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN) Chèo là một loại hình sân khấu kịch hát, gắn với các lễ hội dân gian, các hoạt động giao lưu văn nghệ ở vùng Đồng bằng sông Hồng. Trong ảnh: Biểu diễn hát Chèo trên thuyền rồng dọc theo sông Bạch Đằng tại thành phố Hải Dương, trong Lễ hội Văn hóa Du lịch xứ Đông chào đón năm mới 2019. (Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN) Chèo là một trong những loại hình đặc sắc của sân khấu truyền thống Việt Nam, cần được tôn vinh không chỉ như hiện vật tĩnh mà còn cần được bảo tồn, phát triển song song với sự phát triển của xã hội. Trong ảnh: Một cảnh trong vở chèo dã sử Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư của Đoàn nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN) Chèo cần có sự thích nghi nhất định với thời cuộc để tránh bị rơi vào hoàn cảnh như một di sản phi vật thể chỉ để bảo tồn, tránh làm mất đi một trong những hình thức nghệ thuật kể chuyện bằng sân khấu tiêu biểu nhất của dân tộc. Trong ảnh: Hoạt động sân khấu hóa bằng nghệ thuật Chèo để tìm hiểu tác phẩm Quan Âm Thị Kính của học sinh Trường Trung học Cơ sở Lê Quý Đôn, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN phát) Trong chèo, cái thiện luôn thắng cái ác. Các tích trò chủ yếu lấy từ truyện cổ tích, truyện Nôm; ca vũ nhạc từ dân ca dân vũ; lời thơ chủ yếu là thơ dân gian. Trong ảnh: Diễn viên Nguyễn Hoài Thanh (Nhà hát Chèo Hà Nam) với vai diễn Ông Chài trong vở Nhị Độ Mai. (Ảnh: Văn Đạt/TTXVN) Chèo miêu tả cuộc sống bình dị của người dân nông thôn, khát vọng sống thanh bình giữa một xã hội phong kiến đầy bất công. Trong ảnh: Diễn viên Đỗ Thị Thương (Nhà hát Chèo Hà Nam) với vai diễn Súy Vân trong vở Súy Vân. (Ảnh: Văn Đạt/TTXVN) Diễn viên Tô Quang Trung (Nhà hát chèo Thái Bình) với vai diễn Cu Sứt trong vở Súy Vân, tại cuộc thi tài năng trẻ diễn viên sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2014. (Ảnh: Văn Đạt/TTXVN) Nhân vật trong chèo thường mang tính ước lệ, chuẩn hóa và rập khuôn. Tính cách của các nhân vật trong chèo thường không thay đổi với chính vai diễn đó. Trong ảnh: Nguyễn Thị Ngọc Anh và Vũ Thị Quỳnh (Nhà hát Chèo Ninh Bình) với vai diễn Thị Kính và Sùng Bà trong vở Quan Âm Thị Kính. (Ảnh: Văn Đạt/TTXVN) Chèo là hình thức kể chuyện bằng sân khấu, lấy sân khấu và diễn viên làm phương tiện giao lưu với công chúng, và có thể được biểu diễn ngẫu hứng. Trong ảnh: Diễn viên Trần Trung Sỹ (Nhà hát Chèo Ninh Bình) với vai diễn Xã trưởng trong vở Quan Âm Thị Kính tại cuộc thi tài năng trẻ diễn viên sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2014. (Ảnh: Văn Đạt/TTXVN) Chèo không có cấu trúc cố định năm hồi một kịch như trong sân khấu châu Âu mà các nghệ sỹ tham gia diễn chèo thường ứng diễn. Trong ảnh: Vũ Thị Ngoan với vai diễn Thị Nở; Lại Xuân Chường với vai diễn Chí Phèo (Nhà hát Chèo Việt Nam) trong trích đoạn Đôi lứa xứng đôi. (Ảnh: Văn Đạt/TTXVN) Ngày nay, chèo cũng như các bộ môn nghệ thuật truyền thống khác như cẩm, chầu văn, ca trù, tuồng, hay cải lương đang gặp phải rất nhiều khó khăn khi phải chuyển mình để có thể tồn tại và phát triển. Trong ảnh: Các nghệ sỹ đoàn Chèo Hải Phòng biểu diễn tác phẩm Ông Vua hóa hổ. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN) Làng Khuốc (xã Phong Châu, huyện Đông Hưng) là chiếng chèo nổi tiếng của Thái Bình. Trong số 155 nghệ sỹ chèo là người Thái Bình trong các đoàn chèo cả nước thì riêng làng Khuốc có 50 người. Trong ảnh: Nghệ sỹ Cao Thị Bấc (bên phải) trong buổi sinh hoạt của CLB Chèo truyền thống xã Phong Châu, nơi được coi là nơi khởi nguồn của chèo. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN) Chèo sân đình là loại hình chèo cổ của những phường chèo xưa, thường được biểu diễn ở các sân đình, sân chùa, sân nhà các gia đình quyền quý. Trong ảnh: Buổi tập của Câu lạc bộ UNESCO bảo tồn nghệ thuật sân khấu chèo Đông Hà, làng chèo Khuốc (Đông Hưng, Thái Bình) - một trong những cái nôi của nghệ thuật hát chèo dân gian đã được UNESCO công nhận. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN) Số làn điệu chèo theo ước tính có khoảng trên 200 làn điệu, chủ yếu được hình thành và bắt nguồn từ các làn điệu dân ca, ca dao, thơ giàu chất văn học đằm thắm trữ tình...Mỗi làn điệu Chèo đều có những chức năng biểu cảm, diễn đạt trạng thái của nhân vật trong hoàn cảnh cụ thể của vở diễn. Trong ảnh: Hát Chèo tàu là loại hình diễn xướng độc đáo của người dân xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, Hà Nội. (Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN) Chèo sân đình là loại hình chèo cổ của những phường chèo xưa, thường được biểu diễn ở các sân đình, sân chùa, sân nhà các gia đình quyền quý. Trong ảnh: Làng chèo Khuốc (xã Phong Châu, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) là một trong những cái nôi của nghệ thuật hát Chèo dân gian đã được UNESCO công nhận. Năm 2005, Câu lạc bộ UNESCO bảo tồn nghệ thuật sân khấu Chèo Đông Hà được thành lập và tạo dựng được thương hiệu riêng, nức tiếng gần xa với những làn điệu chèo cổ độc đáo. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN) Nghệ sỹ Nhân dân Thanh Ngoan, hiện là Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam. Tên tuổi nghệ sỹ Thanh Ngoan gắn liền với vai diễn đầu tiên trong Quan Âm Thị Kính tới vai diễn vàng son trong Nỗi đau tình mẹ, Vợ chồng Cả Dọc, từ đào lệch tới đào thương, từ hài tới bi... (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)
Chèo - Nghệ thuật sân khấu truyền thống đậm đà bản sắc văn hóa Việt
Chèo là loại hình sân khấu kịch hát, gắn với lễ hội dân gian, các hoạt động giao lưu văn nghệ ở vùng Đồng bằng sông Hồng, là một trong những môn nghệ thuật truyền thống đậm đà bản sắc văn hóa Việt.
15/11/2021 14:01