Chỉ 2% số vụ tai nạn lao động bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Trong khi mỗi năm có khoảng 600 người chết vì tai nạn lao động thì số lượng vụ tai nạn lao động nghiêm trọng bị đề nghị khởi tố hàng năm rất ít, chỉ 3-4% và chỉ có 2% số vụ được đưa ra khởi tố.
Chỉ 2% số vụ tai nạn lao động bị truy cứu trách nhiệm hình sự ảnh 1Hiện trường vụ tai nạn tại công trường đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông. (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)

Mất an toàn lao động trong ngành xây dựng với hàng loạt vụ tai nạn nghiệm trọng gây chết người tại các công trình xây dựng lớn nhỏ đang khiến các cơ quan chức năng gấp rút hoàn thiện pháp luật về an toàn lao động trong ngành này. Những quy định mới sẽ quy định chi tiết và cụ thể hơn về điều kiện thi công, trách nhiệm của nhà thầu, nhà thầu phụ và người lao động trong đảm bảo an toàn lao động.

Đây là nhận định được đưa ra tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Giải pháp an toàn cho người lao động trong xây dựng" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 27/7 tại Hà Nội.

Theo thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, ngành xảy ra nhiều tai nạn lao động nghiêm trọng nhất trong những năm qua là ngành xây dựng, xây lắp công trình dân dụng và công nghiệp, chiếm khoảng 30% số vụ gây chết người. Thời gian gần đây, một số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xây dựng đã xảy ra liên tiếp như: Vụ sập giàn giáo tại công trường Công ty gang thép Hưng Nghiệp Formosa, hai vụ sập giàn giáo liên tiếp tại công trình 4 tầng ở Hậu Giang vào chiều ngày 9/7 và tại công trình 17 tầng tại thành phố Hồ Chí Minh vào sáng ngày 10/7, vụ cần cẩu của đơn vị thi công dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông bất ngờ đứt cáp, khiến một người tử vong, 2 người khác bị thương…

Lý giải nguyên dẫn đến tai nạn lao động, ông Lê Quang, Phó Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình (Bộ Xây dựng) cho rằng một trong số những nguyên nhân là công tác đảm bảo an toàn lao động tại các công trình đang thi công chưa được chủ đầu tư, tư vấn giám sát và các nhà thầu thực sự coi trọng,  không tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động trong hoạt động xây dựng.

Đặc biệt, tại nhiều công trình, công tác thiết kế, lắp đặt và sử dụng giàn giáo không đảm bảo an toàn như giàn giáo không được tính toán, thiết kế theo quy định, vật liệu chế tạo giàn giáo không đúng quy cách, việc lắp đặt giàn giáo chủ yếu theo kinh nghiệm, không kiểm tra chặt chẽ, việc chất tải trên giàn giáo không đúng theo quy trình hoặc vượt tải trọng cho phép... Đó là chưa kể đến chất lượng giàn giáo, thiết bị qua sử dụng bị xuống cấp, hư hỏng, không đảm bảo an toàn nhưng không được kiểm tra, kiểm định theo quy định.

Mặt khác, người lao động không được huấn luyện về kỹ năng cũng như trang bị đầy đủ phương tiện an toàn trên công trường cũng là nguyên nhân xảy ra tai nạn lao động. Thực tế cho thấy người lao động bị tai nạn thậm chí còn vi phạm quy trình, quy chuẩn về an toàn; thiếu kiến thức về pháp luật liên quan đến bảo đảm an toàn lao động.

Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn Lao động (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cũng cho biết: đi sâu phân tích nguyên nhân từ báo cáo các vụ tai nạn lao động cũng cho thấy, nguyên nhân chủ yếu do người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, không huấn luyện an toàn cho người lao động chiếm và tổ chức lao động và điều kiện lao động kém.

“Trong khi mỗi năm có khoảng 600 người chết vì tai nạn lao động nhưng số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng bị đề nghị khởi tố hàng năm rất ít, chỉ 3-4%và chỉ có 2% số vụ được đưa ra khởi tố. Trung bình mỗi năm chỉ có khoảng 0,22% số doanh nghiệp đang hoạt động được thanh tra pháp luật lao động và an toàn vệ sinh lao động và 10% doanh nghiệp báo cáo về tai nạn lao động,” ông Hà Tất Thắng nói.

Trước thực trạng này, các cơ quan chức năng đang tiến hành xây dựng các văn bản quy phạm làm rõ các quy định về điều kiện năng lực của nhà thầu tham gia xây dựng công trình phải có cán bộ chuyên trách quản lý về an toàn lao động; cấp chứng chỉ hành nghề an toàn lao động trong xây dựng; trách nhiệm đảm bảo an toàn lao động trong thi công xây dựng của các chủ thể trong hoạt động đầu tư (từ Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, nhà thầu thi công xây dựng đến nhà thầu giám sát thi công...); quan hệ các chủ thể trong công tác đảm bảo an toàn trong thi công xây dựng; lập và phê duyệt thiết kế biện pháp thi công, biện pháp đảm bảo an toàn lao động.

Luật An toàn lao động vừa được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực kẻ từ ngày 1/7/2016 cũng quy định chi tiết hơn về các nguyên tắc đảm bảo an toàn vệ sinh lao động. Từ nay đến khi luật có hiệu lực, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ xây dựng các văn bản hướng dẫn luật để ngay khi có hiệu lực luật có thể đi vào áp dụng ngay trong thực tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục