Tai nạn lao động liên tiếp tại địa bàn Hà Nội: Vì đâu nên nỗi?

Ba vụ tai nạn lao động nguy hiểm liên tiếp xảy ra tại Hà Nội trong tháng Năm vừa qua một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng mất an toàn lao động tại Thủ đô.
Tai nạn lao động liên tiếp tại địa bàn Hà Nội: Vì đâu nên nỗi? ảnh 1Hiện trường vụ sập giàn giáo tại công trường đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông. (Ảnh: Sơn Bách-Việt Phương/Vietnam+)

Hiện nay, Hà Nội là một trong những địa phương có số vụ tai nạn lao động cao trong cả nước, do đó vấn đề quản lý an toàn lao động đang được đặt ra cấp thiết đối với thành phố này.

Hà Nội đặt mục tiêu giai đoạn 2010-2015, giảm 5% tần suất tai nạn lao động hàng năm, đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động; giảm 10% số người lao động mắc mới bệnh nghề nghiệp phổ biến; trên 80% người lao động được tập huấn về an toàn vệ sinh lao động.

Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát mới đây của Liên đoàn Lao động Hà Nội, từ năm 2012-2014, việc tuân thủ pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn vẫn còn nhiều tồn tại cần khắc phục, nhất là khối doanh nghiệp trong các lĩnh vực điện, giao thông, xây dựng và trong khu công nghiệp.

Theo ông Đặng Minh Thuần, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Hà Nội, qua khảo sát tại Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Ủy ban Nhân dân các huyện Chương Mỹ, Thạch Thất và 15 doanh nghiệp, chủ yếu tại Khu công nghiệp Thạch Thất-Quốc Oai, Khu công nghiệp Nội Bài, mặc dù số lượng người được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động năm sau tăng so với năm trước nhưng vẫn đạt tỷ lệ thấp so với tốc độ chuyển dịch cơ cấu lao động và còn khá nhiều người lao động chưa được huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động.

Tình hình tai nạn lao động bước đầu đã được kiểm soát, song vẫn xảy ra những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, đặc biệt là trong các lĩnh vực có nguy cơ cao; hay việc đo, kiểm tra định kỳ các yếu tố có hại trong môi trường lao động, việc tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động vẫn chưa thường xuyên. Trong khi đó, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động tại một số doanh nghiệp chưa được quan tâm một cách thực chất.

Có nhiều nguyên nhân, song một nguyên nhân đáng được lưu tâm là việc khai báo, thống kê tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của một số doanh nghiệp thực hiện chưa nghiêm túc, nên số liệu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được khai báo chưa phản ánh đúng tình hình diễn ra trên thực tế, thậm chí một số doanh nghiệp có hành vi che giấu, không khai báo với các cơ quan chức năng khi có tai nạn lao động xảy ra.

Cơ chế quản lý người lao động là lao động thời vụ, lao động tự do, lao động nông nghiệp chưa rõ ràng nên việc đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động cho đối tượng này gặp nhiều khó khăn, hầu như chưa thực hiện.

Dư luận nhân dân cũng đã từng bức xúc liên quan đến nhiều vụ tai nạn lao động xảy ra mà nguyên nhân chính vẫn là sự cẩu thả, xem nhẹ về an toàn lao động tại các công trường.

Gần đây nhất là ba vụ tai nạn lao động nguy hiểm liên tiếp xảy ra tại Hà Nội trong tháng Năm; trong đó, có hai vụ trên cùng tuyến công trình Đường sắt thí điểm đoạn Nhổn-ga Hà Nội và một vụ tại dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông đã ảnh hưởng tới sức khỏe, tinh thần, vật chất cho người bị tai nạn, đang gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng tai nạn lao động tại các công trường xây dựng.

Theo số liệu của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội, từ đầu năm 2015 đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 11 vụ tai nạn lao động, làm 11 người chết. Đặc biệt, tình trạng vi phạm pháp luật về lao động trong các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước diễn ra khá phổ biến.

Năm 2014, mặc dù có nhiều nỗ lực cố gắng, song Hà Nội vẫn là một trong những địa phương có số vụ tai nạn lao động cao của cả nước (132 vụ); trong đó, có 33 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm chết 34 người, làm bị thương nặng 4 người. Các vụ tai nạn chủ yếu xảy ra trong ngành xây dựng, sửa chữa và sử dụng điện.

Toàn thành phố cũng để xảy ra 166 vụ cháy, nổ (164 vụ cháy, 2 vụ nổ), làm chết 18 người, bị thương 16 người; thiệt hại về tài sản ước khoảng 200 tỷ đồng mà nguyên nhân xảy ra cháy chủ yếu do chập điện.

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết ba năm qua, để phát hiện, ngăn chặn kịp thời những vụ việc có nguy cơ mất an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn, trung bình mỗi năm các cơ quan, đơn vị của thành phố tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên đề, kiểm tra liên ngành trên 300 đơn vị và đã xử phạt vi phạm hành chính gần 500 triệu đồng.

Lý giải nguyên nhân chủ yếu của tình trạng vi phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn thành phố, ông Đặng Minh Thuần cho rằng cần tháo gỡ ngay từ chính sách. Một số văn bản của các cơ quan Trung ương, thành phố ban hành chậm, thiếu nội dung hoặc có nội dung còn mâu thuẫn, chồng chéo, có lĩnh vực chưa có chế tài điều chỉnh. Thành phố mới phân cấp cho các quận, huyện, thị xã nhiệm vụ về an toàn, vệ sinh lao động, kinh phí và biên chế cho việc triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến về an toàn, vệ sinh lao động gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế, thiếu đồng bộ.

Đáng lưu ý là phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh chỉ quan tâm đến lợi nhuận, chưa chú trọng đầu tư cho đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động và chỉ đến khi cơ quan Nhà nước đến kiểm tra, thanh tra, những doanh nghiệp này mới bắt đầu thực hiện.

Một giải pháp vĩ mô hơn là Quốc hội cần sớm ban hành Luật An toàn, vệ sinh lao động và đưa quy định “Các đơn vị khi lập dự án, đặc biệt các dự án về thi công xây dựng phải có khoản kinh phí để phục vụ cho công tác an toàn, vệ sinh lao động khi thi công công trình” vào trong Luật vì nội dung này hết sức quan trọng, góp phần ngăn chặn, giảm thiểu tai nạn lao động trên các công trình xây dựng.

Liên đoàn lao động thành phố cũng đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo các ngành liên quan đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến đầy đủ, sâu rộng những văn bản hướng dẫn các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động trong sản xuất, kinh doanh; tích cực tư vấn cho người sử dụng lao động, người lao động nâng cao nhận thức về an toàn, vệ sinh lao động; chú trọng công tác quản lý Nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động đối với các doanh nghiệp có từ 200 lao động trở lên.

Bên cạnh đó, thành phố chỉ đạo các sở, ngành chuyên môn phối hợp với các quận, huyện, thị xã tổ chức đoàn kiểm tra, thanh tra liên ngành về nội dung này định kỳ, đột xuất một cách khoa học để tránh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất tại các đơn vị, doanh nghiệp.

Trong quá trình kiểm tra, thanh tra, đoàn phải dành thời gian tiếp xúc với người lao động và người sử dụng lao động để lắng nghe ý kiến của từng đối tượng nhằm kịp thời có những đề xuất, kiến nghị với cấp có thẩm quyền, góp phần hoàn chỉnh các văn bản pháp luật; kịp thời xử lý đúng pháp luật những vụ vi phạm nghiêm trọng; biểu dương khen thưởng kịp thời những đơn vị, cá nhân làm tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục