Chi phí vận chuyển hàng hóa sang Anh tăng gấp 4 lần sau Brexit

Những quy định mới được áp đặt sau khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu cũng như các biện pháp hạn chế dịch bệnh COVID-19 đã khiến chi phí vận chuyển hàng hóa từ Pháp sang Anh tăng vọt.
Chi phí vận chuyển hàng hóa sang Anh tăng gấp 4 lần sau Brexit ảnh 1Cảng Dover ở Anh, điểm trung chuyển hàng hóa giữa nước này và EU. (Ảnh: THX/TTXVN)

Chi phí vận chuyển hàng hóa từ Pháp sang Anh đã tăng gấp bốn lần so với mức thông thường trong tuần trước sau khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) và biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng.

Trong tuần cuối cùng của năm 2020, giá giao ngay đối với việc vận chuyển một xe tải đầy hàng vào phút chót qua eo biển Manche đã tăng lên 6 euro/km, cao hơn so với mức trung bình 1,5-3 euro/km trước đây. Theo số liệu từ công ty dịch vụ logistics toàn cầu Transporeon, một số trường hợp đặc biệt còn bị tính mức phí 10 euro/km.

Con số trên phản ánh tình trạng hỗn loạn tại các cảng của Anh khi Chính phủ Pháp đóng cửa biên giới để ngăn chặn biến thể mới của virus SARS-CoV-2 lây lan. Điều này khiến hàng nghìn xe tải xếp hàng dài ở hai bên eo biển Manche, trong khi nhiều nhà vận chuyển từ chối vận chuyển hàng hóa nhằm tránh bị mắc kẹt trong dịp lễ.

4 ngày trước khi bước sang Năm mới, hàng dài xe tải ở khu vực biên giới mới phần nào được giải tỏa sau khi Pháp nới lỏng kiểm soát. Tỷ lệ từ chối vận chuyển đã giảm nhưng vẫn cao hơn 79% so với mức trung bình của quý 3/2020.

[Tiến trình chuyển giao kết thúc, Anh chính thức cắt đứt quan hệ với EU]

Giám đốc điều hành của Transporeon, ông Stephan Sieber cho biết tình trạng thiếu tài xế trong mùa lễ là điều bình thường và thường làm giá giao ngay tăng vọt. Ông Sieber dự đoán rằng giá giao ngay đối với việc vận chuyển hàng hóa từ châu Âu sang Anh có khả năng sẽ tiếp tục tăng cao và khó có thể dự đoán trước tình hình này sẽ diễn ra trong bao lâu.

Giám đốc phụ trách thương mại tại công ty sản xuất thiết bị khoa học Specac, ông David Smith cho biết công ty của ông đã tạm dừng xuất-nhập khẩu từ ngày Giáng sinh đến ngày 18/1 để tránh bất kỳ sự gián đoạn nào đối với hoạt động cung ứng hàng hóa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.