Theo phóng viên TTXVN tại Paris, Văn phòng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 28/12 cho biết nước này ủng hộ thỏa thuận thương mại hậu Brexit giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU), song sẽ thận trọng ngay từ ngày áp dụng đầu tiên.
Ngày 24/12 vừa qua, Anh và EU đã thông báo chính thức đạt được thỏa thuận thương mại hậu Brexit sau gần 9 tháng đàm phán.
Kết quả này tạo cơ sở pháp lý để Anh và EU tránh được một cuộc “ly hôn” trong hỗn loạn và không có thỏa thuận để xác định mối quan hệ kinh tế và an ninh giữa hai bên giai đoạn hậu Brexit.
Dự kiến, Quốc hội Anh sẽ nhóm họp trong ngày 30/12 để tiến hành bỏ phiếu thông qua thỏa thuận lịch sử với EU.
Trong khi đó, đại sứ của các quốc gia thành viên EU hiện đã đồng loạt nhất trí áp dụng tạm thời Thỏa thuận Thương mại và Hợp tác EU-Anh.
Việc này sẽ cho phép 2 bên tạm thời tiếp tục trao đổi thương mại phi thuế quan sau khi Anh chính thức rời khỏi thị trường chung EU từ đêm 31/12.
[Thỏa thuận Brexit mở ra kỷ nguyên mới trong quan hệ Anh-EU]
Theo phóng viên TTXVN tại Prague, chuyên gia phân tích kinh tế Lukáš Kovanda thuộc Ngân hàng Trinity, Séc cho rằng thỏa thuận thương mại giữa EU-Anh hậu Brexit có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế Séc.
Quốc gia Trung Âu này phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu và Anh là một trong những thị trường xuất khẩu chủ chốt của nước này.
Theo ông Lukáš Kovanda, thỏa thuận trên mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp Séc, nhất là trong lĩnh vực sản xuất ô tô, xuất khẩu đồ chơi và sản xuất máy móc khi không phải chịu rào cản thuế quan và hạn ngạch xuất khẩu.
Anh là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Cộng hòa Séc, sau Đức, Ba Lan và Slovakia. Nếu EU và Anh không đạt được thỏa thuận thương mại hậu Brexit, xuất khẩu của Séc có thể sẽ giảm 40 tỷ korun (1,86 tỷ USD).
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Séc cho rằng vẫn còn quá sớm để có thể đánh giá về thỏa thuận này vì khó có thể dự báo những gì sẽ diễn ra trong các năm tới.
Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu của Séc sẽ phải thích nghi với tình hình thực tế khi Anh rời EU./.