Chỉ số phát triển công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh tăng 7,5%

Chỉ số phát triển công nghiệp 6 tháng đầu năm ​nay của Thành phố Hồ Chí Minh ước tăng 7,5% so với cùng kỳ ​năm ngoái và đây là mức tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây.
Chỉ số phát triển công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh tăng 7,5% ảnh 1Người tiêu dùng mua sắm tại hệ thống siêu thị Saigon Co.op. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ số phát triển công nghiệp 6 tháng đầu năm ​nay của thành phố ước tăng 7,5% so với cùng kỳ ​năm ngoái và đây là mức tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây.

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, động lực tăng của ngành công nghiệp tập trung vào 4 ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí chế tạo, điện tử, hóa chất-cao su-nhựa và chế biến tinh lương thực thực phẩm) của thành phố với mức tăng 9,72%, cao hơn mức tăng chung của toàn ngành.

Cụ thể, ngành cơ khí-chế tạo thành phố tiếp tục tập trung để tăng quy mô sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, ước tăng 17,5% so với cùng kỳ. Thành phố đầu tư nhiều trang thiết bị mới có khả năng cạnh tranh trong khu vực.

Nhiều dây chuyền, hệ thống thiết bị, máy móc điều khiển tự động đã được các doanh nghiệp sản xuất để thay thế hàng nhập khẩu, có khả năng cạnh tranh cao do chất lượng ổn định và giá thành khoảng 50-70% so với sản phẩm nhập khẩu cùng loại….

Mặt khác, ngành điện tử-công nghệ thông tin thành phố ước tăng 12,4%, ngày càng phát triển thông qua việc tiếp thu trình độ khoa học-kỹ thuật cao từ các dự án của các tập đoàn kinh tế thế giới đầu tư sử dụng công nghệ bán dẫn, công nghệ vi mạch, bo mạch điện tử…

[Kinh tế TP Hồ Chí Minh tăng trưởng 7,76% trong sáu tháng đầu năm]

Việc triển khai các hợp đồng sản xuất điện tử sử dụng chíp thương hiệu Việt (bo mạch điều khiển chiếu sáng đường, khóa xe container...) và một số sản phẩm đã được nghiên cứu, sản xuất thành công đưa vào thị trường tiêu thụ như thiết bị đo điện điện tử, hộp đen gắn trên ôtô và xe máy, hệ thống giám sát container...

Ngành chế biến tinh lương thực-thực phẩm ước tăng 4,9%; chủ động mở rộng thị trường, chuyển sang tinh chế.

Công nghệ sản xuất mới, công nghệ chế biến tiên tiến được ứng dụng vào sản xuất và cho ra đời những sản phẩm chất lượng cao; giảm dần việc đầu tư phát triển theo chiều rộng, tập trung đầu tư phát triển chiều sâu bằng công nghệ hiện đại, tạo sản phẩm tinh chế, có chất lượng cao và giá trị gia tăng lớn.

Theo ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh, kết quả trên có được nhờ chính sách phát triển công nghiệp, nhất là thành phố tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo nguồn vốn, mặt bằng chương trình hỗ trợ khác... phát huy hiệu quả.

Trong bối cảnh công nghiệp cả nước gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng sụt giảm, Quyết định số 15/2017/QĐ-​UBND của Ủy ban Nhân dân Thành phố về hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ góp phần thúc đẩy công nghiệp thành phố phát triển, sản xuất hàng hóa đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Thành phố ban hành và triển khai nhiều chương trình, chính sách có tác động mạnh, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp. Điển hình như tạo cầu nối gắn kết doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh; tiến hành kêu gọi, thu hút đầu tư có chọn lọc vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn và xây dựng cụm liên kết sản xuất.

Thành phố xây dựng cơ sở dữ liệu về ngành công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là các thông tin về các doanh nghiệp chế tạo cơ khí để kết nối và hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thông tin khi có nhu cầu đầu tư máy móc, thiết bị và công nghệ sản xuất mới nhằm giảm chi phí so với việc xuất khẩu. Tổ chức điều tra tình hình sản xuất và ứng dụng công nghệ cao, tổng hợp, đánh giá mức độ đóng góp về giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao...

Ngành điện thành phố tập trung đầu tư, hoàn thiện mạng lưới để cung cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt người dân. Sản lượng điện nhận tiêu thụ 6 tháng đầu năm ước đạt 11,6 tỷ kWh, tăng 2,86% so cùng kỳ năm ngoái.

Sản lượng điện thương phẩm cung cấp cho thành phố ước đạt 11,09 tỷ kWh, tăng 2,95% so cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ tổn thất điện năng ước đạt 4,28%, thấp hơn 0,08 điểm phần trăm so với cùng kỳ. Sản lượng điện tiết kiệm ước đạt 205,6 triệu kWh, đạt 57,11% so với kế hoạch.

Cùng với đó, hoạt động thu hút đầu tư phát triển sản xuất công nghệ cao được chú trọng vào các tập đoàn, công ty lớn, có thương hiệu, đã tập trung thu hút đầu tư các lĩnh vực công nghệ cao và triển khai nghiên cứu, đào tạo, ươm tạo phục vụ nhà đầu tư.

Tổ chức xúc tiến đầu tư gắn kết chặt chẽ với xây dựng hạ tầng, thu hồi đất, quy hoạch và bảo vệ môi trường. Sản xuất của các doanh nghiệp ổn định, giá trị xuất khẩu 6 tháng ước đạt 4,6 tỷ USD, tăng 79,6% so cùng kỳ năm ngoái, trong đó giá trị nhập khẩu đạt 4,15 tỷ USD, tăng 69,2%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.