Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là chìa khóa thành công của Quảng Ninh trong thu hút dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước.
Tỉnh triển khai nhiều giải pháp để tiếp tục giữ vững, cải thiện điểm số của các Chỉ số PCI, Par Index, SIPAS, PAPI; thực hiện miễn giảm một số khoản phí, lệ phí giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến. Cung cấp 1.771 thủ tục hành chính của 3 cấp chính quyền; trong đó cung cấp 1.121 dịch vụ công trực tuyến, với tỷ lệ dịch vụ công toàn trình và một phần đạt 71%.
Toàn tỉnh tiếp nhận, xử lý 861.990 hồ sơ thủ tục hành chính; trong đó trên 77% tổng số hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến; tỷ lệ giải quyết đúng hạn, trước hạn đạt 99,7%; có trên 72% tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được số hóa; kết nối, liên thông với 14 cơ sở dữ liệu bộ, ngành Trung ương.
Tỉnh tận dụng tối đa lợi thế cạnh tranh mang lại nhờ hệ thống kết cấu hạ tầng động lực ngày càng đồng bộ để phát triển kinh tế nhanh, bền vững, hội nhập sâu với nền kinh tế các nước trong khu vực.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy mong muốn lan tỏa thông điệp: Quảng Ninh ưu tiên kêu gọi, thu hút đầu tư và sẵn sàng tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư vào những ngành nghề, lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế cạnh tranh vượt trội, tiềm năng khác biệt như du lịch, dịch vụ tổng hợp hiện đại; công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ, các ngành công nghệ cao, công nghệ thông minh; kinh tế biển, logistics, cảng biển và dịch vụ cảng biển; nông nghiệp sinh thái; các nhóm ngành thúc đẩy kinh tế xanh như năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, điện khí, điện gió; phát triển Chính quyền Số, Kinh tế Số, Xã hội Số.
"Quảng Ninh luôn xem thành công của nhà đầu tư là thành công của tỉnh. Tỉnh xác định “Đồng hành, phục vụ nhà đầu tư, doanh nghiệp” là phương châm hoạt động của các cấp, các ngành" - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh khẳng định.
Quảng Ninh đã tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục giải phóng mặt bằng, đất đai; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; thường xuyên lắng nghe, tìm hiểu và tháo gỡ các nút thắt của nhà đầu tư; hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp... Tỉnh đặc biệt quan tâm đến giải pháp cốt lõi đó là hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đảm bảo đồng bộ, liên thông, kết nối vùng, nội vùng và khu vực lân cận. Đồng thời, thành lập Tổ công tác đặc biệt nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, nhà đầu tư.
Nhờ một loạt giải pháp đồng bộ, tổng vốn thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào Quảng Ninh ước đạt 5 tỷ USD. Trong số đó, thu hút vốn đầu tư trong nước đạt 1,9 tỷ USD, vượt 17,3% kế hoạch; thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 3,1 tỷ USD, gấp 3,1 lần kế hoạch năm, hiện tại dẫn đầu cả nước. Đây cũng là con số kỷ lục về thu hút FDI của tỉnh từ trước tới nay.
Tỉnh Quảng Ninh thu hút thêm 80 triệu USD từ Nhật Bản
Nhật Bản là thị trường lớn và rất nhiều tiềm năng trong thu hút đầu tư vào tỉnh Quảng Ninh, nhất là kêu gọi các nhà đầu tư lớn từ các tập đoàn hàng đầu của Nhật Bản có vai trò dẫn dắt “Sếu đầu đàn.”
Năm 2024, Quảng Ninh xác định chủ đề năm là “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh.”
Quảng Ninh phấn đấu tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 55.600 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 10%, trọng điểm là thu hút vốn FDI ít nhất 3 tỷ USD; phát triển mới ít nhất 2.000 doanh nghiệp; giữ vững vị trí nhóm đứng đầu cả nước về các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI; GRDP bình quân đầu người năm 2024 phấn đấu đạt trên 10.000 USD./.