Ngày 7/3, Khu Tham quan Du lịch Văn hóa Tâm linh Samten Hills Dalat đã tổ chức khánh thành Không gian Văn hóa Tâm linh Phật giáo tại xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng.
Tại buổi lễ, đại diện Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam đã trao Chứng nhận Không gian Văn hóa Tâm linh cho Không gian Phật giáo Kim Cương thừa tại Khu Tham quan Du lịch Văn hóa Tâm linh Samten Hills Dalat.
Đặc biệt, tại đây có Đại Bảo tháp Kinh luân được xác lập kỷ lục thế giới Guinness Word Record vào cuối năm 2022.
Đại Bảo tháp Kinh luân Drigung Kagyu Rinchen Khorchen Khorwe Go Gek được làm bằng đồng tinh khiết, dát vàng 24K với trọng lượng 200 tấn, chiều cao 37,22m, đường kính 16,53m. Đây là Đại Bảo tháp Kinh luân lớn nhất thế giới tới thời điểm hiện nay.
[Quảng Ninh: Chiêm bái tượng Phật ngọc 3,8 tấn tại chùa Quỳnh Lâm]
Mặc dù nặng tới 200 tấn nhưng Đại Bảo tháp Kinh luân trên vẫn có thể xoay quanh trục đứng nhờ vào những vòng bi.
Trong bánh xe cầu nguyện là hơn một tỷ câu chú Om Mani Padme Hum (chứa đựng tất cả phẩm tính về thân, ngữ và tâm của Đức Phật) được in lên giấy lụa mỏng và các phẩm vật cát tường như xá lợi của Phật, xá lợi của các vị thánh tăng.
Khi được quay kinh luân, các chuỗi chân ngôn bên trong chuyển động sẽ tạo ra nguồn năng lượng từ trường tích cực, an lành, nguồn phúc lạc to lớn của thập phương chư Phật, giúp cho con người bình yên, hạnh phúc.
Đại Bảo tháp Kinh luân lớn nhất thế giới được kiến tạo với sự chỉ dẫn của các vị hành giả, học giả, nghệ nhân và họa sư từ vùng đất Phật Nepal, Ấn Độ cùng nhiều vị tôn túc, lãnh đạo chính quyền địa phương, phù hợp với đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước.
Đây cũng là công trình quan trọng trong việc khơi lại dòng chảy lịch sử Phật giáo Kim cương thừa từ hơn một nghìn năm trước, thời nhà Lý-Trần đến nay.
Sau quá trình tìm hiểu, nghiên cứu với sự tư vấn của các nhà khoa học hàng đầu, Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam ghi nhận hệ thống biểu tượng Phật giáo tại quần thể Samten Hills Dalat là một công trình độc đáo, giàu giá trị văn hóa và vô cùng hiếm có tại Việt Nam.
Ông Trần Văn Mạnh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam nhận định: “Việc trao Bằng chứng nhận của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam có ý nghĩa giới thiệu với cộng đồng những giá trị kiến trúc và tâm linh quý báu của không gian Phật giáo Kim Cương và mong muốn khuyến khích gìn giữ, bảo vệ và phát huy cho đời sau những di sản văn hóa có giá trị.”
Không gian Văn hóa Tâm linh Phật giáo Samten Hills Dalat trải dài trên những ngọn đồi cao tuyệt đẹp tại thôn Kambute, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng trong một khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ và rộng lớn, khí hậu mát mẻ quanh năm.
Tổng thể công trình được lấy cảm hứng từ Không gian văn hóa Phật giáo Kim cương thừa với những công trình kiến trúc được kiến tạo từ những bàn tay của các họa sư tới từ Nepal, nơi đã sinh ra Phật Thích Ca Mâu Ni.
Tại các công trình kiến trúc này còn có những bức họa về thập phương chư Phật, chư Bồ tát, chư vị Thánh tăng… cùng nhiều họa tiết, hình vẽ tinh xảo, mang ý nghĩa sâu xa, huyền bí.
Điểm nhấn độc đáo nhất là quần thể công trình văn hóa Phật giáo được Đại lão hòa thượng Drubwang Sonam Jorfel Rinpoche - một vị tăng sỹ đến từ vùng đất Phật thanh tịnh Ladakh (Ấn Độ) cùng các họ trò của mình dày công kiến tạo./.