Chiến dịch cao nguyên Boloven - biểu tượng đoàn kết Việt-Lào

Chiến dịch cao nguyên Boloven - biểu tượng tình đoàn kết Việt-Lào

Với sự giúp đỡ của bộ đội tình nguyện Việt Nam, năm 1971-1972, quân đội Lào đã giải phóng Cao nguyên Boloven và chiến dịch này trở thành biểu tượng tình đoàn kết Việt Nam-Lào.
Chiến dịch cao nguyên Boloven - biểu tượng tình đoàn kết Việt-Lào ảnh 1Thượng tướng Saman Viyaket (giữa) chủ trì Hội thảo. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Lào, ngày 5/4, tại tỉnh Champasak, Bộ Quốc phòng Lào phối hợp với chính quyền nhân dân tỉnh Champasak tổ chức Hội thảo khoa học “Chiến dịch giải phóng Cao nguyên Boloven 1971-1972.”

Tham dự hội thảo có Thượng tướng Saman Viyaket, nguyên Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào; ông Sonexay Sivandone, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Trung tướng Vilay Lakhamphong, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Lào; Đại tá Tào Văn Thái, Tùy viên Quốc phòng Việt Nam tại Lào; ông Bunthong Divixay, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư, Tỉnh trưởng Champasak; các tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang, an ninh; các nhân chứng lịch sử, nhà khoa học, cùng đông đảo nhân dân Lào tham dự.

Phát biểu khai mạc, thay mặt Bộ Quốc phòng Lào, Trung tướng Vilay Lakhamphong cho biết Hội thảo khoa học "Chiến dịch giải phóng Cao nguyên Boloven năm 1971-1972" có ý nghĩa rất quan trọng về mặt lịch sử đối với nhân dân các dân tộc Lào nói chung và nhân dân các tỉnh miền Nam Lào nói riêng.

Đây là dịp để ôn lại lịch sử truyền thống đấu tranh kiên cường dũng cảm của nhân dân các dân tộc Lào, nhất là nhân dân các tỉnh miền Nam Lào chiến đấu chống đế quốc thực dân xâm lược kiểu cũ và mới; thực tiễn và bài học lịch sử của Chiến dịch giải phóng Boloven cũng cho thấy thất bại nặng nề của đế quốc xâm lược, làm phá sản lý luận của Nixon “lấy người Lào đánh người Lào, lấy người châu Á đánh người châu Á,” đồng thời, chiến thắng cao nguyên Boloven trở thành chìa khóa để tiến lên giải phóng toàn đất nước Lào.

Ông Vilay Lakhamphong nhấn mạnh, là nước có chung đường biên giới, có vị trí địa lý cận kề và có những nét lịch sử-văn hóa tương đồng, Lào và Việt Nam sớm có mối quan hệ mật thiết gắn bó máu thịt. Tình đoàn kết hữu nghị giữa hai dân tộc Lào và Việt Nam không chỉ có từ sớm, mà còn khá bền chặt.

Trong những năm tháng đấu tranh vì sự nghiệp độc lập, tự do và xây dựng đất nước trên tinh thần “giúp bạn là tự giúp mình,” quân tình nguyện Việt Nam luôn trước sau thủy chung kề vai, sát cánh cùng nhân dân Lào vững bước vượt qua mọi thách thức, khó khăn, góp phần củng cố và và phát triển vững chắc tình hữu nghị giữa hai dân tộc anh em.

Từ những năm 1969-1972, bộ đội quân tình nguyện Việt Nam cùng với lực lượng Pathet Lào tổ chức các chiến dịch từ giải phóng Cánh đồng Chum Xiêng Khoảng (1972), đường 9 Nam Lào (1972), giải phóng Attapue, Cao nguyên Boloven, Salavan...

Những chiến công này thể hiện sâu sắc tinh thần dũng cảm, kiên cường đấu tranh bất khuất, vượt qua mọi khó khăn gian khổ của quân đội, nhân dân hai nước Lào-Việt Nam, góp phần quan trọng vào việc giáo dục truyền thống đấu tranh giữ nước cho thế hệ trẻ hai nước Lào-Việt Nam hôm nay và mai sau.

Tại hội thảo, nhiều tham luận đã tập trung làm rõ và nêu bật sự lãnh đạo tài tình của Đảng nhân dân cách mạng Lào trong việc chuẩn bị về mọi mặt cho các chiến dịch tại các tỉnh miền Nam Lào, ý nghĩa và tầm quan trọng của chiến dịch giải phóng cao nguyên Boloven, góp phần quan trọng vào việc tiến tới ký Hiệp định ngừng bắn (21/2/1973), tiến tới giành chính quyền, tuyên bố thành lập nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào vào ngày 2/12/1975.

Đặc biệt, hầu hết các tham luận đều nêu bật tình đoàn kết đặc biệt liên minh chiến đấu Lào-Việt Nam, Việt Nam-Lào trong hoạt động quân sự ở miền Nam Lào và tiến lên giải phóng cao nguyên Boloven năm 1971-1972 và trong các chiến dịch khác tại Lào, nhất là nêu bật tình cảm thủy chung son sắt giữa bộ đội quân tình nguyện Việt Nam với quân đội và nhân dân Lào./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục