Cả thành Rome tuyên chiến với chuột cống “giải cứu” Đấu trường La Mã

Chiến dịch đặc biệt săn lùng chuột cống “giải cứu” Đấu trường La Mã

Thành phố Rome, Italy, triển khai một "chiến dịch đặc biệt" để giải quyết nạn chuột cống, trước mắt đảm bảo hoạt động tham quan an toàn tại điểm du lịch thu hút nhiều du khách nhất thủ đô.
Chiến dịch đặc biệt săn lùng chuột cống “giải cứu” Đấu trường La Mã ảnh 1Du khách tham quan đấu trường Colosseum tại thành phố Rome. (Nguồn: Getty Images)

Ngày 26/8, Chính quyền thủ đô Rome (Italy) cho biết họ đang thực hiện biện pháp cần thiết để dẹp nạn chuột cống hoành hành tại Đấu trường La Mã (Colosseum) sau khi mạng xã hội lan truyền nhiều hình ảnh loài gặm nhấm xuất hiện tại đấu trường cổ đại này.

Trao đổi với báo giới, ông Sabrina Alfonsi - Quản lý Bộ phận Xử lý Chất thải thành phố Rome, cho biết chính quyền đã triển khai một "chiến dịch đặc biệt" kể từ đêm 25/8 cho đến rạng sáng 26/8 để giải quyết nạn chuột cống, trước mắt đảm bảo hoạt động tham quan an toàn tại điểm du lịch thu hút nhiều du khách nhất thủ đô.

Trong thông báo, chính quyền thành phố cho biết chiến dịch sẽ tiếp tục được triển khai vào tuần tới, trong đó tập trung dọn dẹp các khu vực xanh, hoặc cống thoát nước xung quanh đấu trường và đặt các bẫy diệt chuột.

Theo ước tính của nhà chức trách, hiện có khoảng 7 triệu con chuột cống đang hoành hành tại thành phố Rome.

[Italy điều tra vụ vé tham quan đấu trường Colosseum bị "đội giá"]

Ông Alfonsi cho biết lượng du khách tới Rome mùa Hè này tăng vọt, cùng điều kiện thời tiết nắng nóng bất thường, đã khiến lượng rác thải tại thành phố trở nên quá tải, tạo điều kiện thuận lợi cho loài chuột cống sinh sôi và hoành hành.

Thủ đô Rome - nơi vốn được mệnh danh là "thành phố vĩnh hằng" với hơn 2.800 năm lịch sử, đã đối mặt với tình trạng khủng hoảng rác thải trong nhiều năm.

Bộ Môi trường Italy từng thừa nhận hệ thống quản lý rác thải của thủ đô còn tồn tại nhiều bất cập, trong đó cơ sở hạ tầng chưa đủ đáp ứng nhu cầu lớn về xử lý rác.

Đấu trường La Mã được xây dựng cách đây 2.000 năm là công trình lớn nhất của Đế chế La Mã, đồng thời là điểm thu hút khách du lịch hàng đầu của thành Rome.

Đây được xem là một trong những biểu tượng kỳ quan kiến trúc thế giới, được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Thế giới vào năm 1980./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục