Xuất khẩu tôm trong năm 2018 chỉ đạt 3,59 tỷ USD, giảm 6,8% so với năm 2017 (năm 2017 xuất khẩu đạt trị giá 3,85 tỷ USD).
Lý giải về điều này, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm khẳng định số lượng đơn hàng và tổng sản lượng tôm chế biến xuất khẩu không giảm, mà do giá xuất khẩu tôm giảm khiến giá trị giảm theo.
Dù nhiều doanh nghiệp nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu nhưng bài học đặt ra để ngành tôm phát triển chính là tự thay đổi chất lượng sản phẩm, mở rộng thị phần tôm chế biến.
Bài 1: Nội tại chưa cân bằng
Năm 2018, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm Việt Nam tăng đầu tư hệ thống chế biến, mở rộng vùng nguyên liệu chất lượng cao, xây dựng trung tâm giống chất lượng, đạt tiêu chuẩn... Nhưng giá trị xuất khẩu vẫn giảm, chủ yếu do doanh nghiệp chưa xây dựng được chiến lược phát triển bền vững.
Chiến lược riêng
Cùng là doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm, đưa con tôm có mặt khắp các thị trường thế giới, nhưng mỗi doanh nghiệp có chiến lược riêng, từ đó có tác động tăng, giảm nguồn kim ngạch xuất khẩu tôm trong năm 2018 từ 5-20% so với năm 2017.
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Ủy ban tôm, Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam - Giám đốc Công ty Cổ phần thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng) - nhận xét việc tăng, giảm kim ngạch xuất khẩu tôm trong năm 2018 phụ thuộc chủ yếu vào mỗi doanh nghiệp. Doanh nghiệp có chiến lược kinh doanh dài hơi, phù hợp với biến động thị trường sẽ duy trì được sự ổn định và phát triển dài lâu. Ngoài ra, trong kinh doanh cũng có tính tới yếu tố may rủi.
[Giá tôm sụt giảm, doanh nghiệp tận dụng ưu thế về chế biến sâu]
Năm 2018, trong năm doanh nghiệp đứng đầu về chế biến, xuất khẩu tôm, chỉ có ba doanh nghiệp giữ vững doanh số, bứt phá về đích vượt kế hoạch là hai công ty của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta (Fimex). Hai công ty khác là Công ty cổ phần Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex) và Công ty trách nhiệm hữu hạn Kinh doanh chế biến và xuất nhập khẩu thủy sản Quốc Việt có sự sụt giảm; trong đó, công ty Quốc Việt sụt giảm khá mạnh, gây bất ngờ lớn đối với các doanh nghiệp ngành tôm Việt Nam.
Trường hợp của Công ty trách nhiệm hữu hạn Kinh doanh chế biến và xuất nhập khẩu thủy sản Quốc Việt, sự sụt giảm doanh số trong 10 tháng đầu năm chủ yếu là do gặp khó về thị trường hay nói cách khác chủ yếu là “không may.” Công ty này vốn mạnh ở thị trường Australia, nhưng thời gian qua, thị trường này có sự thay đổi bất ngờ về quy định kiểm tra hàng hóa trước khi thông quan khiến hàng hóa của công ty xuất sang thị trường này bị hạn chế.
Công ty Cổ phần Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex), sau 5 năm (2012-2016) gia tăng tốc độ bán hàng vào Mỹ và đã vượt lên chiếm giữ vị trí thứ hai. Sự tăng tốc mạnh suốt 5 năm liền tạo cho Stapimex nguồn lực khá đủ để tính toán lại chiến lược dài hơi hơn, nhằm tránh rủi ro lớn có thể phát sinh trong thời gian tới nên công ty chủ động giảm lượng xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Thực tế này khiến doanh nghiệp giảm doanh số bán hàng trong năm 2018.
Ông Hồ Quốc Lực nhận xét thêm trái ngược với sự sụt giảm của Quốc Việt, và Stapimex, hai công ty của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú có sự tăng trưởng ấn tượng. Sau khi thoát khỏi vụ kiện chống bán phá giá tôm vào Mỹ, Minh Phú tạo ưu thế vượt trội ở thị trường này. Không chỉ có lợi thế về thuế suất, Minh Phú còn có chiến lược giảm giá thành thông qua giảm chi phí phần cứng trong giá thành bằng cách nâng sản lượng chế biến tối đa. Hiện sản lượng mỗi nhà máy của Minh Phú gần gấp đôi hai doanh nghiệp tôm đứng sau là Stapimex và Fimex.
Thêm cạnh tranh
Thời gian qua, các doanh nghiệp chế biến tôm Việt Nam có chiến lược dài hơi về tăng sản lượng sản phẩm chế biến nhằm tăng giá trị con tôm Việt. Nhưng các doanh nghiệp tôm từ các quốc gia khác cũng không ngừng chuyển động, khai thác lợi thế của loại sản phẩm này. Một minh chứng được đưa ra là trong năm 2019, Indonesia và Thái Lan sẽ tăng cường loại sản phẩm tôm chế biến như tôm tẩm bột để lấp khoảng trống của doanh nghiệp Trung Quốc tại Mỹ.
Theo khảo sát của phóng viên, Công ty Sekar Bumi của Indonesia đang mở rộng quy mô nhanh chóng bằng cách xây dựng các nhà máy mới và chú ý tăng doanh số bán hàng sang thị trường Mỹ. Đại diện của Sekar Bumi cho biết Công ty Sekar BuMi có nhà máy Sekar Bumi Utama đạt chuẩn 4 sao về thực hành nông nghiệp tốt, tại Thủ đô Jakarta của Indonesia. Dự kiến, Sekar Bumi sẽ tăng công suất sản xuất tôm tẩm bột và các sản phẩm tôm chế biến khác.
Hiện sản phẩm tôm chế biến của Trung Quốc vào thị trường Mỹ vốn chịu thuế 10%, vào ngày 2/3/2019 sẽ tăng lên 25%. Đây là cơ hội mở cho các doanh nghiệp chế biến tôm của Indonesia nói chung và Sekar Bumi nói riêng. Hầu hết các doanh nghiệp trên thế giới đều mong chờ sự chuyển dịch nhu cầu của thị trường Mỹ từ Trung Quốc sang các doanh nghiệp của quốc gia khác.
Vì lý do này, Sekar Bumi quyết định nâng tổng công suất chế biến tôm của nhà máy Sekar Bumi Utama lên 30.000 tấn/năm. Dự kiến, sản lượng tôm của Indonesia 2019 là 400.000-550.000 tấn. Indonesia có nhiều khu vực chưa được khai thác nuôi trồng thủy sản nên ngành tôm của Indonesia còn nhiều dư địa và tiềm năng này.
Để ứng phó với sự gia tăng sản lượng tôm từ các quốc gia khác trong năm 2019 và chiến lược tăng lượng sản phẩm chế biến của các doanh nghiệp đối thủ, ngành tôm Việt Nam xác định một hướng đi mới, đó là nhắm vào tập quán tiêu dùng của các thị trường khó tính.
Theo Hiệp hội chế biến, xuất khẩu thủy sản Việt Nam, mỗi thị trường có một đặc điểm nhận dạng riêng. Với thị trường Trung Quốc, người tiêu dùng thường chú trọng vào các loại đặc sản và kích cỡ lớn. Thị trường châu Âu vẫn chuộng sản phẩm tôm sú. Tuy nhiên, con tôm sú chưa phát triển ổn định ở đây.
Thị trường này không chú trọng vào những loại đặc sản chỉ tập trung về số lượng, chất lượng và kích cỡ của sản phẩm. Trong đó, ưu tiên lựa chọn các loại tôm size trung, từ 40-60 con/kg. Vì vậy, các doanh nghiệp cần có chiến lược thả nuôi, thu hoạch, cũng như lựa chọn kích cỡ tôm để chế biến phục vụ từng thị trường.
Cạnh tranh vốn là động lực để doanh nghiệp phát triển trong quản lý, chú trọng chất lượng sản phẩm và tạo uy tín với khách hàng. Nếu nhìn yếu tố cạnh tranh bằng thái độ tích cực, việc những doanh nghiệp nước ngoài có thêm nhiều sản phẩm mới sẽ tạo động lực cho ngành tôm Việt Nam có thêm nhiều bài học để phát triển, ông Hồ Quốc Lực chia sẻ./.