Chiến tranh thương mại kích hoạt nhiều nỗi lo lớn của ông Tập Cận Bình

Chiến tranh thương mại đã mở “chiếc hộp Pandora” ở Trung Quốc. Nước này có thể tiếp tục lập “kỳ tích” hay rơi vào thảm họa, điều đó phụ thuộc vào tố chất và sự lựa chọn của nhà lãnh đạo.
Chiến tranh thương mại kích hoạt nhiều nỗi lo lớn của ông Tập Cận Bình ảnh 1(Nguồn: The Financial Courier)

Theo tờ Tin tức Thế giới, sau hội nghị không chính thức tại khu nghỉ dưỡng Bắc Đới Hà hồi tháng Tám vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có hàng loạt động thái thể hiện năng lực kiểm soát quyền lực trong nước, bao gồm việc thăng quân hàm cho một loạt tướng lĩnh, khẳng định “quyết sách về công tác tuyên truyền tư tưởng hoàn toàn đúng đắn,” công bố điều lệ kỷ luật đảng viên...

Tuy nhiên, cùng với sự leo thang trong chiến tranh thương mại với Mỹ, “chiếc hộp Pandora Trung Quốc” có thể đã mở ra.

Thứ nhất, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung cho thấy những thành quả đạt được trong 40 năm cải cách mở cửa và Trung Quốc tương lai không lớn mạnh như những gì Bắc Kinh tuyên truyền.

Theo chuyên gia kinh tế Cao Thiện Văn, năm 1979, Đặng Tiểu Bình thăm Mỹ, lấy việc tấn công Việt Nam như bằng chứng cho sự chân thành của mình nhằm đổi lấy sự ủng hộ của Mỹ đối với công cuộc cải cách mở cửa. Từ đó, Trung Quốc thực hiện chính sách thân phương Tây, “giấu mình chờ thời”, tạo điều kiện thuận lợi để hiện đại hóa đất nước.

Nhưng thực tế hiện nay chứng minh, Trung Quốc đang thực hiện chiến lược coi nhẹ phương Tây. Đặc biệt sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, Trung Quốc đã coi việc thách thức địa vị của Mỹ thành mục tiêu quan trọng hàng đầu. Tuy nhiên, chiến tranh thương mại bùng nổ đã đưa Trung Quốc trở lại “nguyên hình,” không thực sự “thành công” như giới truyền thông nước này tô vẽ.

[Hai khó khăn lớn khảo nghiệm ông Tập Cận Bình và “mô hình Trung Quốc"]

Thứ hai, chiến tranh thương mại được coi là sự mở đầu cho chiến lược kiềm chế Trung Quốc toàn diện của Mỹ. Nguyên nhân chủ yếu nằm ở việc những kỳ vọng của Mỹ đối với Trung Quốc đã đổ vỡ.

Lấy ví dụ, Mỹ giúp Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nhưng lại chịu cảnh thâm hụt thương mại ngày càng tăng đối với Trung Quốc. Không những thế, cùng với sự phát triển về kinh tế, tự do hóa thị trường, mở cửa xã hội, Trung Quốc không dần chuyển hóa theo mô hình dân chủ phương Tây.

Các chính sách của Tập Cận Bình - bao gồm sự cứng rắn trong vấn đề Biển Đông, đề ra sáng kiến “Vành đai và Con đường,” chủ trương xuất khẩu “mô hình Trung Quốc”... đều khiến phương Tây cảnh giác và lo lắng về mặt chiến lược, từ đó tăng cường nhận thức chung trong việc kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Thứ ba, mục tiêu quan trọng hàng đầu của ông Tập Cận Bình là bảo vệ chính quyền, không để phương Tây thực hiện thành công chiến lược diễn biến hòa bình. Vì vậy, ông Tập Cận Bình đã giương cao ngọn cờ dân tộc chủ nghĩa, xây dựng bản thân thành nhà lãnh đạo đầy quyền lực sau ông Mao Trạch Đông để mọi người tin rằng chỉ có dựa vào ông Tập Cận Bình thì Trung Quốc mới có thể tránh được vết xe đổ của Liên Xô trước đây. Vì vậy, hàng loạt ý tưởng lớn như “Giấc mộng Trung Hoa,” hai mục tiêu trăm năm, phục hưng dân tộc Trung Hoa vĩ đại, “Vành đai và Con đường”… đã xuất hiện, dẫn tới việc sửa đổi Hiến pháp, xóa bỏ quy định về nhiệm kỳ lãnh đạo để ông Tập Cận Bình có thể nắm quyền suốt đời. Điều này đi ngược với chế độ nhiệm kỳ phổ biến trên thế giới và bị rất nhiều nhân vật thuộc “thế hệ đỏ thứ hai” (con lãnh đạo) ở Trung Quốc phản đối.

Thứ tư, cùng với sự trỗi dậy của giai cấp trung lưu và sự nâng cao về dân trí, có thể rất nhiều người dân Trung Quốc cho rằng sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc là cần thiết, nhưng họ cũng kỳ vọng xã hội mở cửa hơn, hội nhập với thế giới, bao gồm việc cho phép tự do ngôn luận, có thái độ bao dung với ý kiến trái chiều.

Nhưng trước “cách mạng sắc màu” ở Đông Âu và Trung Đông, êkíp Tập Cận Bình chỉ muốn giữ nguyên bối cảnh, cho rằng tình hình đất nước của Trung Quốc khác với bên ngoài, không nhìn thấy xu thế trào lưu của Trung Quốc.

Cánh cửa xã hội của Trung Quốc vốn được mở dần dưới thời ông Giang Trạch Dân và ông Hồ Cẩm Đào đã bị khép lại, tư duy cực tả lên ngôi. Bị kích thích bởi chiến tranh thương mại, các phần tử trí thức và giai cấp trung lưu ở Trung Quốc đã dần thay đổi. Họ sẵn sàng chỉ trích và lên án gay gắt hiện trạng, thay vì kìm nén và giữ im lặng như trước đây.

Thứ năm, sau khi chiến tranh thương mại bùng nổ, thái độ của Bắc Kinh đã có sự thay đổi. Ban đầu, truyền thông Trung Quốc tuyên bố “nhất định sẽ trả đũa” và “chiến đấu tới cùng." Nhưng sau đó, khi Trung Quốc bộc lộ điểm yếu chí mạng về công nghệ then chốt, thị trường chứng khoán lao dốc, đồng nhân dân tệ trượt giá mạnh, ông Tập Cận Bình đích thân yêu cầu “ổn định việc làm, ổn định tài chính, ổn định ngoại thương, ổn định đầu tư và ổn định kỳ vọng." Điều này cho thấy Trung Quốc đang phải đối mặt với quá nhiều nguy cơ cũng như bộc lộ rõ điểm yếu và khiếm khuyết trong đường lối cầm quyền, khiến người dân nảy sinh nghi ngờ căn bản về tương lai của đất nước.

Nói tóm lại, 40 năm cải cách mở cửa đã hình thành nên giai cấp trung lưu đông đảo và những điều kiện đầy đủ về đa nguyên hóa xã hội ở Trung Quốc. Đây sẽ là nguồn cơn và động lực cho những biến đổi của Trung Quốc mà Bắc Kinh không thể sử dụng tư duy của thời Mao Trạch Đông. Chiến tranh thương mại đã mở “chiếc hộp Pandora” ở Trung Quốc. Nước này có thể tiếp tục lập “kỳ tích” hay rơi vào thảm họa, điều đó phụ thuộc vào tố chất và sự lựa chọn của nhà lãnh đạo./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.