Trang web Thời báo Hoàn Cầu bản tiếng Anh đêm 28/6 đã đăng bài viết với tựa đề "Các thỏa thuận Việt Nam-EU cho thấy chiến tranh thương mại đang định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu" của nhà báo nổi tiếng Hồ Duy Giai làm việc tại tòa soạn Thời báo này, nội dung như sau:
Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam đã nhất trí ký Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) vào ngày 30/6 vừa qua tại thủ đô Hà Nội. Đây là một động thái có thể được coi là "đòn giáng trả" đối với chủ nghĩa bảo hộ thương mại của Mỹ.
Theo tác giả, một số nền kinh tế trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang đẩy nhanh tiến trình đa dạng hóa các đối tác thương mại. Các thỏa thuận giữa Việt Nam và EU là những ví dụ điển hình mới nhất.
[Doanh nghiệp Nhật Bản: EVFTA mở ra nhiều cơ hội đầu tư ở Việt Nam]
Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU tại khu vực Đông Nam Á sau Singapore. Trước đó, Singapore đã ký các thỏa thuận thương mại và đầu tư với EU hồi tháng 10/2018.
Kể từ năm ngoái, châu Á đã cảm thấy tác động của cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ. Do đó, khu vực này đã trở nên cởi mở hơn đối với các thỏa thuận hợp tác và thương mại với EU.
Là hạt nhân trong chuỗi cung ứng của châu Á, Trung Quốc đã dẫn đầu xu hướng trên. Trung Quốc và EU đang đẩy nhanh hoàn thiện Hiệp ước đầu tư song phương (BIT) trong bối cảnh vòng đàm phán lần thứ 21 giữa hai bên đã kết thúc hồi đầu tháng 6/2019.
Trong khi đó, các cuộc đàm phán BIT giữa Trung Quốc và Mỹ đã bị đình trệ kể từ khi cuộc chiến tranh thương mại nổ ra. Hiện Mỹ đang đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng của châu Á, song cuộc chiến thương mại này đang làm suy yếu ảnh hưởng của Washington.
Các chuỗi cung ứng đang được tái định hình một cách nhanh chóng. Ngay khi tiến trình này được hoàn tất, tầm ảnh hưởng của Mỹ đối với các nền kinh tế châu Á sẽ bị phá vỡ.
Cuộc chiến thương mại này dường như không diễn tiến như ông Trump mong đợi. Sau khi ông chủ Nhà Trắng áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc nhằm đưa việc làm và sản xuất trở lại Mỹ, nhiều công ty lại chuyển nhà máy sang Việt Nam chứ không phải sang Mỹ. Ngay cả khi ông Trump áp thuế đối với hàng hóa Việt Nam, các FTA và IPA của Việt Nam với EU sẽ làm giảm tác động tiêu cực của thuế quan Mỹ, qua đó hỗ trợ các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam tiến vào thị trường EU với mức thuế thấp hoặc không có thuế.
Là nước láng giềng của Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ có lợi trong việc đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Trung Quốc sang Việt Nam, qua đó tạo động lực mới cho hợp tác kinh tế song phương.
Các mối quan hệ ngày càng thắt chặt của EU với Việt Nam là một phần quan trọng trong việc sắp xếp lại chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong tiến trình này, vai trò của Mỹ đang bị suy yếu do chủ nghĩa bảo hộ thương mại của chính nước này, trong khi Trung Quốc đang tìm cách hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu./.