Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hoành hành, sân khấu phía Bắc chiếu nhiều vở kịch nói trên YouTube nhằm tạo điều kiện cho khán giả mọi nơi được thưởng thức. Tuy nhiên, bước đi này gợi lên câu hỏi: Chiếu online rồi, liệu khán giả có đến nhà hát xem “offline” nữa hay không?
Nhiều vở kịch lên internet
Trong tháng 11, "nhịp sống" kịch tại khu vực phía Bắc nhộn nhịp trở lại sau kỳ giãn cách dài, cụ thể là ở Hà Nội và Hải Phòng, với hình thức chiếu kịch trên các nền tảng trực tuyến.
Năm nay, Liên hoan sân khấu toàn quốc 2021 tổ chức tại Hải Phòng (từ 5-16/11) với 20 vở diễn đã và đang được công chiếu trên nền tảng YouTube. Các đơn vị tham gia gồm Câu lạc bộ Sân khấu thử nghiệm Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam, Sân khấu xã hội hóa Lệ Ngọc, Trung Tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Hải Dương, Nhà hát kịch nói Quân đội...
Khán giả quan tâm có thể theo dõi trên kênh YouTube “Nghệ thuật biểu diễn Việt Nam,” các vở diễn sẽ được truyền hình trực tiếp liên tục trong thời gian diễn ra liên hoan.
Trên trang YouTube này, khán giả có thể theo dõi từ nhà nhiều tác phẩm mới như vở kịch lịch sử về Trần Thủ Độ - "Thiên mệnh" của Nhà hát kịch Việt Nam, vở hài kịch "Cái... ao làng" của Nhà hát kịch Tuổi trẻ hay "Làng song sinh" của Nhà hát kịch Hà Nội...
Bên cạnh đó, tại Thủ đô, dự án kịch Antigone do Viện Goethe tài trợ, hướng đến mục đích cộng đồng sẽ có bốn buổi công chiếu miễn phí. Đây là vở bi kịch kinh điển thời Hy Lạp cổ đại, đến nay đã có tuổi đời 2.500 năm, mang nhiều thông điệp bất hủ về tính nhân bản và lên án sự độc tài, lạm quyền của một thể chế.
Cũng trong khuôn khổ dự án này, vào các ngày 20/11 và 4/12 sẽ có buổi diễn online của đoàn kịch độc lập XPlusX Studio trên nền tảng Discord. Đây sẽ là một sân khấu phi truyền thống - tổ chức tại một không gian công cộng và nhà riêng của các diễn viên.
[Kịch kinh điển 'Antigone' của Hy Lạp sẽ được Việt hóa thế nào?]
Ngoài dự án kịch do Viện Goethe tài trợ và chiếu miễn phí, các nhà hát khác vẫn cùng lúc bán vé các vở mới và cũ. Việc có những vở kịch mới để "chiêu đãi" khán giả trong mùa dịch được đánh giá là rất có ý nghĩa, đặc biệt khi năm 2021 đánh dấu 100 năm ra đời của thể loại kịch nói tại Việt Nam.
Có sợ mất khán giả?
Rõ ràng việc chiếu online đồng nghĩa với việc công khai toàn bộ nội dung vở diễn miễn phí và điều này có thể khiến những khán giả đã xem online không mua vé để xem trực tiếp. Song, nhiều lãnh đạo nhà hát không nghĩ vậy.
Tham gia Liên hoan sân khấu toàn quốc năm nay, Sân khấu Lệ Ngọc (Hà Nội) mang đến hai vở “Thị Nở Chí Phèo” và vở “Làm vua,” cả hai đều được chiếu online trong khuôn khổ chuỗi sự kiện.
Trong đó, vở “Làm vua” vừa được công bố đầu năm 2021 và đang có nhiều vở diễn lại để phục vụ khán giả Thủ đô trong tháng 11, còn vở “Thị Nở Chí Phèo” cũng nhận được sự quan tâm của khán giả nhiều lứa tuổi và từng có nhiều đợt diễn từ giữa năm 2020 đến nay.
Nói về phương thức chiếu online, Nghệ sỹ nhân dân Lệ Ngọc, đại diện Sân khấu xã hội hóa Lệ Ngọc cho biết: "Đây là công việc của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Nghệ thuật biểu diễn. Chúng tôi sẵn sàng cho chiếu online, chấp nhận mất một lượng khán giả nhỏ và xác định sẽ vất vả hơn một chút trong công tác truyền thông, thu hút khán giả sau này.”
Nghệ sỹ nhân dân Lệ Ngọc tự tin các vở kịch của mình có sức hấp dẫn đủ để kéo khán giả xem trực tiếp. “Tôi cho rằng khán giả muốn nhìn thấy diễn viên khóc, cười, nhảy múa thật trên sân khấu. Mỗi vở kịch của chúng tôi đều được truyền thông lâu dài. Các vở cũ, mới đều sẽ diễn lại nếu khán giả có nhu cầu đón xem,” bà chia sẻ.
Tại Liên hoan, Nhà hát kịch Hà Nội mang đến Liên hoan hai vở “Hà Thành chính khí” (vở cũ công diễn lần đầu năm 2020) và “Làng song sinh” vừa mới ra mắt khán giả Thủ đô với vài buổi diễn.
Chia sẻ về hình thức này, Nghệ sỹ nhân dân Trung Hiếu (Giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội) tin rằng vở diễn của mình có đủ sức hút để khán giả mua vé đến nhà hát đồng thời cho rằng đây là cơ hội tốt để giới thiệu tác phẩm mới của nhà hát đến khán giả.
Theo ông, "Làng song sinh" được diễn trực tiếp kết hợp phát sóng online tại sân khấu Nhà hát Tháng Tám, Hải Phòng và là một cơ hội để quảng bá vở kịch.
“Rất nhiều người đi xem một vở diễn nhiều lần. Tôi tin ngay cả khi đã xem online, nhiều người vẫn sẽ đón xem trực tiếp, đem lại cảm xúc khác với xem trên điện thoại và máy tính ra sao. Loại hình sân khấu kịch nói cần được thưởng thức tại rạp mới đúng tính chất,” đạo diễn-Nghệ sỹ nhân dân Trung Hiếu chia sẻ./.