Giai đoạn 2021-2025, thành phố Hà Nội có kế hoạch gìn giữ và phát huy giá trị các loại hình ca kịch truyền thống của Thủ đô Hà Nội, trong đó tập trung vào 4 loại hình chính là nghệ thuật chèo, cải lương, múa rối và kịch.
Việc giữ gìn và phát huy nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hình thành những sản phẩm văn hóa nghệ thuật độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa Thăng Long-Hà Nội, đồng thời có khả năng thích ứng với xu hướng nghệ thuật đương đại, góp phần xây dựng “Thành phố sáng tạo," phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, lưu giữ các tác phẩm nghệ thuật truyền thống tiêu biểu, truyền lại cho đời sau.
Các tác phẩm nghệ thuật truyền thống ngoài việc đảm bảo yếu tố dân gian truyền thống còn có sự kết hợp tính giải trí, phong cách hiện đại và sáng tạo.
Công tác bảo tồn và phát huy các loại hình ca kịch truyền thống được ngành Văn hóa phối hợp quận, huyện, thị xã tập trung vào việc sưu tầm và xây dựng danh mục các loại hình như chèo, cải lương, múa rối, kịch chuyên nghiệp và không chuyên; xây dựng danh mục các làn điệu, vở diễn, tích trò, trích đoạn cổ đứng trước nguy cơ mai một cần gìn giữ và bảo tồn nguyên trạng; xây dựng danh mục các làn điệu, trích đoạn, vở diễn có khả năng phát huy, chỉnh lý, bổ sung để nhân rộng đến đông đảo quần chúng nhân dân Thủ đô.
Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội sẽ phục dựng một số vở diễn cổ, trích đoạn, làn điệu tiêu biểu thuộc loại hình nghệ thuật: chèo, cải lương, múa rối, kịch do các nghệ sỹ của Hà Nội biểu diễn để quay phim tư liệu, in sang đĩa DVD nhằm bảo vệ, lưu trữ, quảng bá, tuyên truyền và đưa vào danh mục trưng bày.
Nhằm khai thác, phát huy giá trị nghệ thuật ca kịch truyền thống vào phục vụ du lịch, Hà Nội cũng yêu cầu các sở, ngành nghiên cứu, đưa nghệ thuật ca kịch truyền thống vào các hoạt động dịch vụ du lịch để phục vụ du khách phù hợp với thực tế; trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, giới thiệu nghệ thuật chèo, cải lương, múa rối và kịch trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch Thủ đô.
[Sau thời kỳ ngủ đông, nhà hát rục rịch lên đèn chờ đón khán giả]
Một mặt, Hà Nội đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của du khách như nhà hát, dịch vụ bổ trợ, thời gian tổ chức biểu diễn linh hoạt theo nhu cầu của từng đối tượng khách du lịch.
Thành phố đầu tư kinh phí sưu tầm, tư liệu hóa, in ấn, phát hành thành đĩa DVD nhằm lưu giữ các tài liệu, nhạc cụ, vở diễn cổ, tích trò, đoạn trích đặc sắc; đầu tư cơ sở vật chất, nâng cấp các nhà hát như Nhà hát Cải lương Hà Nội, Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Múa rối Thăng Long.
Các địa phương căn cứ vào loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc của mình chủ động xây dựng lộ trình, kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, con người, hỗ trợ nghệ nhân mở lớp đào tạo, truyền nghề cho thế hệ trẻ.
Bên cạnh đó, thành phố cũng triển khai quy hoạch chiến lược nguồn nhân lực cho lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn Thủ đô; đào tạo, bồi dưỡng lực lượng nghệ nhân trẻ kế cận.
Để công tác bảo tồn và phát huy nghệ thuật ca kịch truyền thống đạt hiệu quả, Hà Nội tập trung bảo tồn và phát triển 3 đơn vị ca kịch truyền thống, 1 đơn vị nghệ thuật tiêu biểu của Thủ đô gồm Nhà hát Cải lương Hà Nội, Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Múa rối Thăng Long, Nhà hát Kịch Hà Nội.
Đối với nghệ thuật ca kịch truyền thống không chuyên, Hà Nội thường xuyên, định kỳ tổ chức các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật quần chúng đối với các loại hình nghệ thuật truyền thống, phát triển phong trào sâu rộng từ cơ sở, bổ sung nguồn lực tài năng cho nghệ thuật kịch hát chuyên nghiệp./.