Chính phủ Campuchia đưa ra các giải pháp kinh tế mới chống COVID-19

Tổng Thư ký Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia cho biết vì không thể đo lường được hết những thiệt hại về tài chính do COVID-19 gây ra, nên Chính phủ sẽ tập trung hỗ trợ ngành dệt may và du lịch.
Chính phủ Campuchia đưa ra các giải pháp kinh tế mới chống COVID-19 ảnh 1Tổng Thư ký Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia Meas Soksensan. (Nguồn: pfm.gov)

Phát biểu tại cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng Campuchia diễn ra trong tuần này, Tổng Thư ký Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia Meas Soksensan cho biết ngay từ tháng Một vừa qua, chính phủ nước này đã tính tới các biện pháp mới nhằm ngăn chặn tác động về tài chính do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra đối với nền kinh tế quốc dân.

Báo Khmer Times dẫn lời ông Meas Soksensan nói rằng vì không thể đo lường được hết những thiệt hại về tài chính do COVID-19 gây ra, nên Chính phủ sẽ tập trung hỗ trợ ngành dệt may và du lịch.

Ngành dệt may Campuchia chịu tác động nhiều hơn các ngành khác, nên Campuchia sẽ tạo thuận lợi cho nhập khẩu nguyên liệu thô và phụ kiện ngành may để thúc đẩy gia công trong nước, sẵn sàng xuất khẩu.

[Campuchia cách ly 44 người tiếp xúc với công dân Nhật nhiễm SARS-CoV-2]

Chính phủ Campuchia cũng tính tới tăng thu thuế và các biện pháp khác nhằm tăng nguồn thu quốc gia trong bối cảnh tài chính sa sút.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen ngày 25/2 vừa qua cho rằng tăng trưởng kinh tế Campuchia năm nay sẽ không thể đạt mức 6,5% như dự báo đưa ra trước đây, vì dịch COVID-19 đang ảnh hưởng tới các trụ cột của kinh tế quốc gia, đặc biệt là du lịch. Dự kiến, kinh tế Campuchia chỉ có thể tăng trưởng ở mức khoảng 6% trong năm nay.

Trong diễn biến mới nhất về COVID-19 tại Campuchia, theo thông báo ngày 5/3 của Bộ Y tế Campuchia, cơ quan chức năng nước này đã cách ly 44 người được cho là có tiếp xúc với công dân Nhật Bản 40 tuổi nhiễm SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19.

Trước đó, công dân Nhật Bản này đã lưu trú tại Campuchia và nối chuyến tại Thành phố Hồ Chí Minh để trở về Nhật Bản trên chuyến bay từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Nagoya do Vietnam Airlines khai thác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.