Chính phủ Nhật Bản có thể hoãn tăng thuế tiêu dùng thêm 1,5 năm

Thủ tướng Shinzo Abe sẽ quyết định thời điểm tăng thuế lên 10% so với mức 8% hiện nay sau khi đánh giá dữ liệu về Tổng sản phẩm quốc nội quý 3.
Chính phủ Nhật Bản có thể hoãn tăng thuế tiêu dùng thêm 1,5 năm ảnh 1Dây chuyền sản xuất xe của Toyota tại nhà máy ở thành phố Toyota, quận Aichi, miền trung Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chính phủ Nhật Bản và hai đảng cầm quyền ngày 13/11 bắt đầu thảo luận về việc hoãn tăng thuế tiêu dùng thêm 1,5 năm nữa từ kế hoạch ban đầu là tháng 10/2015 sang tháng 4/2017.

Thủ tướng Shinzo Abe sẽ quyết định thời điểm tăng thuế lên 10% so với mức 8% hiện nay sau khi đánh giá dữ liệu về Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 3, từ tháng 7-9/2014, dự kiến công bố ngày 17/11 và giải tán Hạ viện để tiến hành tổng tuyển cử vào tháng 12/2014.

Ông sẽ trở về từ Australia ngày 17/11 sau khi tham dự Hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) hồi tuần này.

Tăng trưởng của Nhật Bản hàng quý kết thúc vào ngày 30/9 dự kiến sẽ chậm hơn so với tỷ lệ thực tế hằng năm khoảng 2%.

Nguồn tin chính phủ cho biết: “Nếu việc tăng thuế bị trì hoãn thì nó sẽ phải được tiến hành sau đó 1,5 năm đến tháng 4/2017. Không có cuộc bầu cử quốc hội nào được lên kế hoạch vào năm đó. Hiện vẫn còn những lời kêu gọi tăng thuế tiêu dùng từ phía những nhân vật có ảnh hưởng như Bộ trưởng Tài chính Taro Aso và các thành viên cấp cao của Ủy ban chính sách thuế Đảng Dân chủ Tự do (LDP)."

Chính phủ, LDP và đối tác nhỏ trong liên minh cầm quyền Đảng Công minh Mới (NKP) cũng dự kiến soạn thảo gói ngân sách bổ sung 3.000 tỷ yen cho tài khóa 2014, tính đến tháng 3/2015, để ngăn chặn đà suy giảm kinh tế sâu hơn nữa.

Việc tăng thuế từ 5% hồi tháng 4/2014, lần tăng thuế đầu tiên trong 17 năm qua, đã đánh mạnh vào chi tiêu của người tiêu dùng khiến GDP quý 2/2014 giảm tới 7,1%. Trong khi đó, có hai kịch bản dự kiến diễn ra về cuộc bầu cử Hạ viện - đó là bắt đầu tranh cử chính thức ngày 2/12 hoặc 9/12 và bỏ phiếu ngày 14/12 hoặc 21/12./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.