Chính sách năng lượng của ông Trump có thể tạo cú hích cho uranium

Ngày càng có nhiều chuyên gia giao dịch hàng hóa có kinh nghiệm đặt cược vào một hàng hóa mà họ tin sẽ có mức tăng giá ấn tượng hơn so với các hàng hóa khác trong thời ông Trump điều hành đất nước.
Chính sách năng lượng của ông Trump có thể tạo cú hích cho uranium ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: rightnow.org.au)

Giới đầu tư đang tích cực gia tăng hoạt động mua bán dầu, than đá và vàng, những hàng hóa mà họ tin rằng giá sẽ tăng nhờ những thay đổi mạnh mẽ mà ông Donald Trump cam kết thực hiện khi ông lên nắm quyền điều hành đất nước.

Tuy nhiên, ngày càng có nhiều chuyên gia giao dịch hàng hóa có kinh nghiệm đặt cược vào một hàng hóa mà họ tin sẽ có mức tăng giá ấn tượng hơn so với các hàng hóa khác chính là uranium.

Sáu năm đi xuống của thị trường uranium cho họ thêm một lý do để tin rằng nhu cầu đi lên rất có thể sẽ đẩy giá hàng hóa này phục hồi mạnh mẽ.

Trong khi đó, ông Trump đã bày tỏ quan điểm ủng hộ năng lượng hạt nhân. Roy Adams, người phụ trách giao dịch uranium tại ngân hàng Deutsche Bank và Lehman Brothers, cho rằng không phải dầu thô, mà không nghi ngờ gì, uranium mới là hàng hóa nguyên liệu nhạy cảm với những yếu tố địa chính trị nhất trên thế giới.

Uranium dưới dạng được làm giàu để sản xuất vũ khí hạt nhân là một trong những chất được kiểm soát chặt chẽ nhất hành tinh.

Tuy nhiên, uranium dưới dạng nguyên liệu thô, hay còn được gọi là “bánh vàng” (có tên hóa học là U3O8), được khai thác và mua bán với ít hạn chế hơn.

Theo Hiệp hội Năng lượng Thế giới, “bánh vàng” được trữ và xử lý bởi một số cơ sở an toàn trên thế giới, song nó được mua bán như các hàng hóa khác, với giao dịch trên thị trường giao ngay chiếm khoảng 25% nguồn cung.

Thị trường uranium gần như suy sụp kể từ năm 2011 khi Nhật Bản và nhiều nước khác như Đức đã đóng cửa các nhà máy hạt nhân hoặc hủy các dự án mới sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima.

Tính đến cuối tháng 11/2016, nguồn cung dư thừa đã đẩy giá uranium giảm xuống mức thấp nhất trong 12 năm qua là 18 USD/pound (1 pound=0,454 kg), đẩy giá hàng hóa nguyên liệu này giảm tổng cộng 75% kể từ sau sự cố hạt nhân ở Fukushima.

Tuy nhiên, sự phục hồi gần 35% của giá uranium sau đó phần nào phản ánh sự lạc quan của các công ty khai mỏ.

Alex Molyneux, Giám đốc điều hành công ty Paladin Energy của Australia, cho hay nhu cầu uranium của ngành hạt nhân Mỹ bắt đầu tăng lên.

Trong khi đó, Kazakhstan, hiện sản xuất khoảng 40% sản lượng uranium của thế giới, đã công bố kế hoạch hạn chế nguồn cung khá mạnh mẽ.

Quyết định của công ty quốc doanh Kazatomprom cắt giảm sản lượng tương đương 3% nguồn cung toàn cầu đã đẩy giá uranium đầu tuần qua tăng trên 10%. Peter Reeve, Chủ tịch công ty khai thác uranium Aura Energy hiện niêm yết trên thị trường chứng khoán London, cho hay các nhà máy điện hạt nhân vốn phụ thuộc vào nguồn cung uranium giá rẻ trên thị trường giao ngay trong nhiều năm qua giờ đây đã có phần tỏ ra lo lắng.

Tuy nhiên, bất chấp việc Kazatomprom cắt giảm sản lượng, giới phân tích dự báo nguồn cung uranium vẫn vượt cầu trong năm 2017 và 2018.

Theo dự báo của tập đoàn tài chính, ngân hàng Macquarie (Australia), thị trường uranium sẽ dư cung khoảng 15 triệu pound trong năm 2017.

Chính vì vậy, các chính sách năng lượng của ông Trump khi ông bước vào Nhà Trắng sẽ giữ một vai trò quyết định đối với thị trường uranium./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.