Chính thức khởi động Chương trình kích cầu du lịch vùng Tây Bắc

Cảnh đẹp tự nhiên hùng vĩ, sự chân thành và mến khách của đồng bào các dân tộc chính là vẻ đẹp góp phần tạo nét riêng, giúp thu hút du khách trong và ngoài nước đến với vùng núi Tây Bắc của Việt Nam.
Văn hóa đậm đà bản sắc là một trong những nét đẹp riêng có thu hút du khách của vùng cao Tây Bắc. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Văn hóa đậm đà bản sắc là một trong những nét đẹp riêng có thu hút du khách của vùng cao Tây Bắc. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

"Kích cầu du lịch đã thực sự trở thành một phong trào mạnh mẽ của toàn ngành, hứa hẹn mang lại các kết quả tốt đẹp cho du lịch Việt Nam. Các tỉnh Tây Bắc là khu vực còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, nhưng Tây Bắc là nơi giàu tài nguyên du lịch, cả thiên nhiên và văn hóa. Phát triển du lịch sẽ là con đường nhanh nhất tạo động lực phát triển cho vùng đất này."

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam chia sẻ như vậy tại lễ phát động Chương trình kích cầu du lịch vùng Tây Bắc khắc phục hậu quả đại dịch COVID-19 diễn ra sáng nay (12/6), tại Hà Nội.

[Doanh nghiệp du lịch Việt dần ‘hồi sinh’ sau 'cơn bão COVID-19']

Sự kiện do Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với cụm 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và một số đơn vị có liên quan, cùng hơn 150 doanh nghiệp du lịch trên cả nước tổ chức.

Chính thức khởi động Chương trình kích cầu du lịch vùng Tây Bắc ảnh 1Du khách thích thú thăm quan vườn hồng lớn nhất Việt Nam ở Sapa. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

“Khu vực Tây Bắc mở rộng là một vùng rộng lớn gồm Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ và Hà Giang. Đây là khu vực có nhiều tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch. Vùng đất này được thiên nhiên ban tặng một vẻ đẹp hùng vĩ riêng có về địa hình, khí hậu, địa chất, cảnh quan và hệ sinh thái; sở hữu văn hóa đặc sắc và lịch sử hào hùng, có sức hấp dẫn đặc biệt,” bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch đánh giá.

Theo bà Hương, để đảm bảo thành công của chương trình cần lưu ý đến nhu cầu, sở thích của khách du lịch nội địa đã có nhiều thay đổi sau dịch bệnh.

Cụ thể, bà Hương cho biết khách du lịch đang ưu tiên lựa chọn những chuyến đi ngắn ngày, di chuyển bằng phương tiện cá nhân, theo nhóm bạn bè hoặc gia đình, khám vẻ đẹp của đất nước ở những vùng đất còn hoang sơ. Đây đều là xu hướng, thị hiếu du lịch thích hợp với các tỉnh Tây Bắc mở rộng.

Chính thức khởi động Chương trình kích cầu du lịch vùng Tây Bắc ảnh 2Du khách trên đỉnh Fansipan hồi cuối tháng Năm vừa qua. (Ảnh: Nam Nguyễn/Vietnam+)

“Tổng cục Du lịch cam kết sẵn sàng đồng hành với Hiệp hội Du lịch Việt Nam, hiệp hội du lịch các địa phương vùng Tây bắc mở rộng, các doanh nghiệp du lịch để triển khai kịp thời, có hiệu quả Chương trình kích cầu du lịch vùng Tây Bắc,” bà Hương khẳng định.

Chương trình kích cầu du lịch vùng Tây Bắc nhằm cụ thể hóa mục tiêu của Chương trình kích cầu toàn quốc là khôi phục nhanh hoạt động du lịch nội địa, chuẩn bị sẵn sàng khôi phục hoạt động du lịch quốc tế khi Chính phủ cho phép; thúc đẩy việc khai thác tiềm năng to lớn về du lịch của Tây Bắc, góp phần từng bước cải thiện đời sống của đồng bào dân tộc tại đây. Đặc biệt, chương trình sẽ góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế các tỉnh Tây Bắc, lấy du lịch làm sinh kế mới cho người dân vùng này.

Đối với vùng Tây Bắc, bên cạnh cảnh đẹp tự nhiên hùng vĩ, sự chân thành và mến khách của đồng bào các dân tộc sẽ góp phần tạo nét riêng thu hút du khách trong và ngoài nước tới thăm quan và thưởng thức.

Theo kế hoạch, sau khi diễn ra lễ phát động Chương trình kích cầu du lịch khu vực Tây sẽ là Chương trình khảo sát sản phẩm du lịch vùng Tây Bắc, kéo dài trong 5 ngày (từ 12-16/6).

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương phát biểu tại sự kiện:

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục