Nghị định số 55/2015/NĐ-CP (thay thế Nghị định 41/2010/NĐ-CP) về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn vừa được ban hành ngày 9/6/2015 đã có nhiều thay đổi nhằm khơi thông nguồn vốn tín dụng trong thời gian tới.
Nghị định 41 đã không còn phù hợp
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, sau khi được Chính phủ ban hành vào ngày 12/10/2010, Nghị định số 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã đóng góp không nhỏ vào việc khơi thông nguồn vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Đến nay, sau 5 năm đi vào cuộc sống, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đã tăng gấp 2,5 lần so với mức dư nợ trước thời điểm ban hành Nghị định, với mức tăng trưởng bình quân hằng năm cao hơn mức tăng chung của nền kinh tế và hiện nay chiếm tỷ trọng 19% trên tổng dư nợ của nền kinh tế (tương đương với mức đóng góp của ngành nông nghiệp trong GDP).
Tuy nhiên, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng trở nên sâu rộng, sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đã thực sự bước vào “sân chơi” chung của thế giới thì cơ chế sản xuất nông nghiệp dựa trên nền tảng “hộ gia đình” với qui mô nhỏ, manh mún, thiếu liên kết đã bộc lộ nhiều bất cập. Tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” thường xuyên xảy ra, một số sản phẩm nông nghiệp sản lượng không ngừng tăng nhưng giá trị lại không tăng hoặc giảm đi đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập và đời sống của người nông dân.
Việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp đang là yêu cầu cấp bách trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội nước ta và rất cần có các cơ chế, chính sách hỗ trợ kèm theo để phục vụ quá trình tái cơ cấu này trong đó chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đóng vai trò hết sức quan trọng.
Mặt khác, sự phát triển kinh tế xã hội của các địa phương đã khiến một số quy định trong Nghị định 41 không còn phù hợp như: Do tác động của việc đô thị hóa nên người dân ở thị trấn, các phường thuộc thị xã, thành phố có nguồn thu nhập chính từ sản xuất nông nghiệp nhưng lại không được tiếp cận chính sách của Chính phủ theo Nghị định 41; các quy định về mức cho vay không có tài sản bảo đảm tại Nghị định 41 là 50 triệu đồng, 200 triệu đồng, 500 triệu đồng đối với cá nhân, hộ kinh doanh, hợp tác xã, chủ trang trại được thực hiện từ năm 2010 không còn phù hợp với quy mô và chi phí cho sản xuất nông nghiệp hiện nay.
Bên cạnh đó, Luật Hợp tác xã năm 2012 ra đời thay thế Luật Hợp tác xã năm 2003 với nhiều thay đổi nhằm khuyến khích và phát triển mô hình hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đòi hỏi cần thiết có chính sách ưu đãi hơn về nguồn vốn tín dụng để phục vụ phát triển các loại hình kinh tế này.
Chính vì vậy, Nghị định 41 đã không còn phù hợp trong thời điểm hiện nay.
Vay đến 3 tỷ đồng không cần tài sản đảm bảo
Trước những yêu cầu của thực tiễn đòi hỏi phải hoàn thiện chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, phục vụ cho đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động đề xuất và phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trình Chính phủ ban hành Nghị định mới về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Theo đó, Nghị định 55 đã bổ sung đối tượng được vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn bao gồm cả các đối tượng là cá nhân, hộ gia đình sinh sống trên địa bàn thành phố, thị xã nhưng tham gia sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp đều được tiếp cận chính sách ưu đãi của Chính phủ.
Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Thái Bình cho biết, đây là điểm bổ sung rất quan trọng của Nghị định 55 so với Nghị định 41. Bởi trong thời gian thực hiện Nghị định 41, có nhiều người dân làm nông nhưng chỉ vì hộ khẩu nằm ở khu vực thị trấn, phường thuộc thị xã, thành phố mà không được vay vốn.
Điểm quan trọng nữa là Nghị định 55 đã nâng mức cho vay không có tài sản đảm bảo để đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới. Theo đó, mức cho vay không có tài sản đảm bảo tối đa là 100 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình (Nghị định 41 là 50 triệu đồng); 300 triệu đồng đối với hộ kinh doanh (Nghị định 41 là 200 triệu đồng); 1 tỷ đồng đối với hợp tác xã, chủ trang trại (trước đây là 500 triệu đồng).
Ngoài ra, liên hiệp hợp tác xã nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác hải sản xa bờ, cung cấp dịch vụ phục vụ khai thác hải sản xa bờ được vay tối đa 3 tỷ đồng nhưng cũng không cần tài sản bảo đảm. Đây là điểm mới nhất của Nghị định 55 này.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng khuyến khích khách hàng vay vốn tham gia mua bảo hiểm trong nông nghiệp thông qua việc quy định tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay với mức tối thiểu 0,2%/năm so với lãi suất của các khoản cho vay cùng loại và có thời hạn tương ứng.
Khuyến khích các tổ chức tín dụng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thông qua quy định về trích lập dự phòng rủi ro, hỗ trợ nguồn vốn và các công cụ điều hành chính sách tiền tệ khác.
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định cá nhân, hộ gia đình vay vốn tại tổ chức tín dụng không phải nộp lệ phí chứng thực hợp đồng thế chấp tài sản tại cơ quan thực hiện chứng thực hợp đồng và lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm tại cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm.
Điểm mới đặc biệt của Nghị định 55 so với Nghị định 41 là có quy định riêng về chính sách tín dụng khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao thông qua việc quy định các tổ chức đầu mối (doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã) tham gia mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp được tổ chức tín dụng cho vay không có tài sản bảo đảm lên đến 70%-80% giá trị dự án, phương án sản xuất, kinh doanh.
Nhận định về Nghị định này, lãnh đạo Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, đây là một hệ thống chính sách đồng bộ không chỉ khuyến khích các tổ chức tín dụng mạnh dạn đầu tư vốn phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn mà còn tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Cũng theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, các quy định hỗ trợ phát triển mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tại Nghị định có thể nói là một trong các giải pháp đột phá, tạo “cú hích” đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gia tăng sức cạnh tranh góp phần phát triển bền vững ngành nông nghiệp Việt Nam. Qua đó cải thiện và nâng cao điều kiện sống của cư dân vùng nông thôn, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới./.