Chia sẻ tại hội thảo "Tài chính vi mô hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo tại Việt Nam" do Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 25/9 tại Hà Nội, chị Phan Thị Hiền, cụm số 13 TYM chi nhánh Sóc Sơn cho biết, chính nhờ đồng vốn của tổ chức tài chính vi mô mà đến nay gia đình chị đã xây được ngôi nhà 3 tầng khang trang, từng bước ổn định cuộc sống, các con ngoan ngoãn học giỏi và đều đã vào đại học.
Chị Hiền chia sẻ, gia đình chị trước năm 2006 rất nghèo, không tổ chức nào dám cho vay vốn vì không có tài sản thế chấp nên chị cũng không có cơ hội được tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Năm 1992 Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã đưa Quỹ Tình thương về Sóc Sơn với hình thức Tổ chức tài chính vi mô trách nhiệm hữu hạn một thành viên Tình thương (TYM) cho vay không cần tài sản thế chấp, cho vay bồ trả đấu lại được gửi tiết kiệm từ những đồng tiền nhỏ nhất.
“ Ban đâu tôi vay vốn TYM số tiền 10 triệu đồng mua lợn gà để chăn nuôi, hàng ngày bán trứng lấy tiền, 6 tháng sau khi vay vốn gia đình đã xuất chuồng lứa lợn đầu tiên thu về 12 triệu đồng. Tôi dùng số tiền này đầu tư mua và chăn nuôi tiếp một lứa lợn nữa và thu về được 15 triệu đồng. Vậy chỉ trong vòng 1 năm đầu tiên vay vốn, gia đình đã trả hết nợ mà vẫn để ra được một số vốn tiếp tục sản suất kinh doanh. Sau đó chị tiếp tuc vay vốn để mở rộng chăn nuôi, rồi mở thêm công việc bán hàng ăn sáng,” chị Hiền cho biết.
[Tháo “nút thắt” để người nghèo tiếp cận nguồn vốn hiệu quả hơn]
Trên thực tế, không chỉ mình chị Hiền không có cơ hội được tiếp xúc với vốn ngân hàng. Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2016 Việt Nam còn khoảng 2,31 triệu hộ nghèo, chiếm 9,79% hộ dân cư trên cả nước và hơn 1,24 triệu hộ cận nghèo, chiếm 5,27% theo tiêu chuẩn nghèo đa chiều.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu như người nghèo được tiếp cận với các dịch vụ tài chính, họ có thể vượt qua đói nghèo, nhờ đó được tiếp cận với dịch vụ giáo dục và y tế tốt hơn. Một trong những giải pháp để thúc đẩy tài chính toàn diện, xóa đói giảm nghèo là việc áp dụng mô hình tài chính vi mô đối với những người nghèo, ít có khả năng tiếp cận 36 dịch vụ ngân hàng chính thống.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho biết, hoạt động tài chính vi mô từ lâu đã được biết đến là một bộ phận cấu thành quan trọng của hệ thống tài chính và là một trong những công cụ xóa đói giảm nghèo hữu hiệu. Khách hàng chủ yếu của tài chính vi mô là nhóm dân số có thu nhập thấp, nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội, đặc biệt là phụ nữ.
Thực tiễn cho thấy, với điều kiện vay vốn đơn giản, không cần tài sản thế chấp, cấp và nhận vốn ngay tại nơi người dân sinh sống, tài chính vi mô được xem là một công cụ "đòn bẩy" nhằm tăng cường sự tự tin của phụ nữ, thúc đẩy họ tham gia vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập và thoát nghèo, từ đó khẳng định vai trò và vị thế của họ trong gia đình và xã hội.
Còn tiến sỹ Đặng Thu Thủy, Học viện Ngân hàng thì cho biết, tính đến 30/9/2017, tại Việt Nam đã có 4 tổ chức tài chính vi mô chính thức được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép thành lập và hoạt động theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng gồm: Tổ chức tài chính vi mô trách nhiệm hữu hạn một thành viên Tình thương (TYM); Tổ chức tài chính vi mô trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên M7 (M7-MFI); Tổ chức tài chính vi mô trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên Thanh Hóa (Thanh Hóa MFI) và Tổ chức tài chính vi mô trách nhiệm hữu hạn một thành viên cho người lao động nghèo tự tạo việc làm (CEP).
Cũng theo bà Thủy, lượng khách hàng tại các tổ chức tài chính vi mô chính thức khá lớn, tăng lên khá nhanh theo từng năm. Tính đến cuối năm 2017, tổng số khách hàng tại 4 tổ chức là 438.534 người. Có thể đây chưa phải con số quá lớn nhưng cho thấy các tổ chức TCVM đang dần dần thu hút được khách hàng đúng phân khúc mà mình hướng tới.
“Phụ nữ được cho là nhóm đối tượng khách hàng mục tiêu mà các tổ chức tài chính vi mô nhắm tới. Tỷ lệ phụ nữ đi vay vốn tại Việt Nam chiếm 86,94% trên tổng số khách hàng đang vay vốn trên cả nước, thậm chí, ở một số tổ chức, như tổ chức TYM, tỷ lệ này xấp xỷ 100%. Điều này là dễ hiểu vì xuất phát từ thực tế là phụ nữ thường có ít điều kiện tiếp cận với các dịch vụ của các tổ chức chính thức, đặc biệt là tín dụng, bởi họ không có tài sản thế chấp. Mặt khác, phụ nữ vay vốn thường có tỷ lệ hoàn trả các khoản vay cao hơn nam giới do ngay từ khi bắt đầu tiến hành hoạt động kinh doanh họ thường suy nghĩ, tính toán và có bước đi cẩn trọng hơn,” bà Thủy nhấn mạnh.
Báo cáo cho thấy, hoạt động của các tổ chức này có sự tăng trưởng khá ổn định với tổng vốn chủ sở hữu đến cuối năm 2017 đạt khoảng1.376 tỷ đồng, tăng 327,4% so với cuối năm 2016. Tổng vốn huy động từ tiền gửi của khách hàng đạt khoảng 2.699 tỷ đồng, tăng 185%, trong đó: vốn huy động từ tiết kiệm bắt buộc là 1.187 tỷ đồng, tiết kiệm tự nguyện là 1.512 tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay đạt khoảng 4.662 tỷ đồng, chiếm 88,6% tổng tài sản có, tăng 236,4%, tập trung vào các lĩnh vực dịch vụ, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.
Kết quả này cho thấy các sản phẩm tiết kiệm của các tổ chức tài chính vi mô đáp ứng được nhu cầu của khách hàng và khẳng định uy tín, sự tin cậy của các tổ chức tài chính vi mô đối với các thành viên.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra, hoạt động tài chính vi mô tại Việt Nam vẫn còn một số hạn chế như hoạt động khá manh mún, sản phẩm, dịch vụ chưa đa dạng, các chỉ số bền vững hoạt động và tài chính của các tổ chức tài chính vi mô chưa cao, đặc biệt khuôn khổ pháp lý vẫn còn chưa toàn diện, thống nhất... Hơn nữa, công tác tư vấn, hỗ trợ, giáo dục về quản lý tài chính cho khách hàng tài chính vi mô nói chung và cho phụ nữ trong hộ gia đình nói riêng vẫn còn khiêm tốn. Những hạn chế này sẽ tác động không tốt tới cơ hội phát triển kinh tế lâu dài của hộ gia đình, trong đó có những người phụ nữ.
Ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã và đang có những định hướng phát triển hoạt động tài cính vi mô và tài chính toàn diện. Ông Phạm Xuân Hòe giải thích, tài chính toàn diện được hiểu là việc các cá nhân và doanh nghiệp có thể tiếp cận với các sản phẩm dịch vụ tài chính hữu ích với giá cả phải chăng, đáp ứng được các nhu cầu của họ bao gồm: chuyển tiền, thanh toán, tiết kiệm, tín dụng và bảo hiểm, được cung cấp một cách có trách nhiệm và bền vững.
Ông Hòe cũng nhấn mạnh, cho vay vốn không chỉ là cung cấp nguồn vốn cho người nghèo mà còn cần đưa ra định hướng, tư vấn phương án sản xuất, kinh doanh. Trước tiên về cách tiếp cận, cách làm là qua trung gian tài chính cung ứng dịch vụ tài chính cho thành viên là chị em nghèo, thu nhập thấp là cách làm lan tỏa vừa nhanh, vừa thiết thực. Bên cạnh đó, việc xây dựng đội ngũ giảng viên chất lượng cho các lớp là các cán bộ của TYM có kỹ năng truyền tải nội dung hiệu quả, có phương pháp sư phạm tốt trong tạo không khí lớp học sôi nổi hấp dẫn khích lệ, thu hút học viên tham gia thảo luận bài.
Đồng tình với quan điểm trên, bà Phạm Minh Trâm, đại diện tổ chức tài chính vi mô tình thương TYM là tổ chức tài chính vi mô đầu tiên được Ngân hàng Nhà nước cấp phép vào năm 2010 cho biết cho rằng, để tổ chức tài chính vi mô hoạt động hiệu quả thì việc hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo và phát triển bền vững không thể chỉ dựa vào vốn vay mà bên cạnh vốn vay còn có nhiều hoạt động nữa như tiết kiệm, quan tâm nâng cao năng lực cho các thành viên.
Ngoài ra, theo bà Trâm cần thiết kế sản phẩm theo đúng nhu cầu và thuận tiện cho thành viên. Mỗi một doanh nghiệp đều cần phải cân bằng hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội, thực hiện tốt các nguyên tắc bảo vệ khách hàng./.