Ngày 9/8, Đoàn công tác số 4 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do ông Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy Cao Bằng về công tác kiểm tra, giám sát việc thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Theo báo cáo của tỉnh Cao Bằng, những năm qua, tỉnh luôn chú trọng công tác kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện, xử lý tham nhũng, sai phạm về kinh tế tại địa phương; lãnh đạo, chỉ đạo việc xử lý trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng và xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên có liên quan đến tham nhũng, sai phạm về kinh tế; lãnh đạo, chỉ đạo việc phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm…
Từ ngày 1/1/2011 đến hết tháng 5/2017, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy kiểm tra dấu hiệu vi phạm 4 tổ chức Đảng cấp dưới, 23 đảng viên có dấu hiệu vi phạm; trong đó thi hành kỷ luật 3 tổ chức Đảng và 11 đảng viên; kiến nghị thu hồi vào ngân sách Nhà nước trên 542 triệu đồng.
Cơ quan Thanh tra tỉnh được ủy ban nhân dân tỉnh giao thực hiện 107 cuộc thanh tra, qua đó kiến nghị thu hồi gần 23 tỷ đồng; đã chuyển cơ quan điều tra xem xét, khởi tố 4 vụ việc.
Các cơ quan tố tụng tiến hành khởi tố, điều tra 11 vụ với 24 bị can; truy tố, xét xử 8 vụ với 15 bị can, bị cáo. Cơ quan thi hành án dân sự thụ lý 8 việc tham nhũng, đã thi hành xong 3 việc; tổng số tiền phải thi hành hơn 7 tỷ đồng, đã thi hành xong 776 triệu đồng.
Tỉnh Cao Bằng kiến nghị Trung ương sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy định cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn, nhất là một số quy định về kê khai, xác minh, minh bạch tài sản thu nhập; quy định về chuyển đổi vị trí công tác.
Về phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tội phạm kinh tế, cần xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, gắn với xây dựng cơ chế kiểm soát chặt chẽ thực thi quyền lực; cụ thể hóa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan phòng, chống tham nhũng.
Đề nghị Trung ương có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức phòng, chống tham nhũng cho cán bộ có chức vụ, quyền hạn trong hệ thống chính trị; có chế độ đãi ngộ đặc thù với cán bộ, công chức làm công tác phòng, chống tham nhũng.
Phát biểu tại hội nghị, ông Uông Chu Lưu biểu dương tỉnh Cao Bằng đã có nhiều cố gắng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thu được những kết quả tốt, tỷ lệ thu hồi tài sản đạt khá cao.
Phó Trưởng ban Chỉ đạo lưu ý tỉnh Cao Bằng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, cần coi đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng cần làm ngay, làm kiên quyết, kiên trì, bài bản; cần chú trọng nhiều hơn đến công tác phòng ngừa, không để tham nhũng có cơ hội phát tác. Đây là nhiệm vụ không dễ dàng, do đó cần có sự vào cuộc của các cấp, ngành và có sự kết hợp chặt chẽ giữa nhiều cơ quan như Thanh tra, Công an, Kiểm sát, Tòa án…
Song song với đó, cần có biện pháp hữu hiệu để bảo vệ người khiếu nại tố cáo. Trong xử lý các đối tượng tham ô tham nhũng cần nghiêm trị, không để bỏ lọt người lọt tội. Mặt khác, cần chú trọng đến các biện pháp thu hồi tài sản tham ô, không để cho đối tượng tẩu tán tài sản.
Theo kế hoạch, Đoàn công tác sẽ làm việc với Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Công an, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Cục Thi hành án dân sự, Thanh tra tỉnh, Ban Thường vụ Thành ủy Cao Bằng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông Vận tải, Cục Hải quan.
Theo chương trình, Đoàn công tác làm việc tại Cao Bằng đến ngày 23/8./.