Chủ động xây dựng kịch bản phát triển kinh tế-xã hội ngắn và dài hạn

Đoàn Chủ tịch đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xây dựng, thực hiện hiệu quả phương án phát triển kinh tế-xã hội trong tình hình mới.
Quang cảnh phiên họp sáng 20/5. (Ảnh: TTXVN)
Quang cảnh phiên họp sáng 20/5. (Ảnh: TTXVN)

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội sáng 20/5. Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh… đã trình bày một số báo cáo.

Chú trọng bảo đảm đời sống nhân dân

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày một số nội dung chủ yếu về công tác phòng, chống dịch COVID-19, đánh giá bổ sung kết quả năm 2019, tình hình những tháng đầu năm 2020 và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phục hồi, phát triển kinh tế xã hội thời gian tới.

Thủ tướng cũng đã nêu rõ những nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới; trong đó có kiểm soát chặt chẽ các nguồn bệnh xâm nhập từ bên ngoài, tiếp tục thực hiện cách ly tất cả những người nhập cảnh vào nước ta và người bị nhiễm bệnh; phát hiện sớm trường hợp nghi nhiễm tại cộng đồng để cách ly, xử lý triệt để, tránh lây lan; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh; đẩy nhanh việc nghiên cứu, phát triển vắc-xin phòng dịch, các phương pháp xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị.

['Kỳ họp thứ 9: Kiến nghị sớm giải quyết 5 nhóm vấn đề lớn]

Cùng với tăng cường năng lực của hệ thống y tế để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp dịch COVID-19 bùng phát, cũng như các dịch bệnh khác có thể xảy ra trong tương lai là nghiên cứu, xây dựng Chiến lược phòng chống dịch bệnh, bảo đảm hiệu quả y tế và bền vững về kinh tế, thực hiện “mục tiêu kép” vừa phát triển kinh tế-xã hội, vừa phòng chống dịch, bảo đảm an toàn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và các hoạt động xã hội.

Thủ tướng cho biết, đại dịch COVID-19 đã tác động rất mạnh đến hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Khu vực nông nghiệp chỉ tăng 0,08% do khó khăn rất lớn trong xuất khẩu.

Sản xuất công nghiệp tăng 1,8%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ và đối mặt với thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, khó khăn thị trường đầu ra. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giầy, chế biến gỗ, thủy sản... sụt giảm mạnh. Khu vực dịch vụ chịu thiệt hại nặng nề, nhất là lĩnh vực du lịch, dịch vụ ăn uống, vận tải... Tổng cầu của nền kinh tế giảm mạnh; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng đầu năm giảm 4,3%.

Mặc dù giảm khá mạnh so với cùng kỳ, nhưng tăng trưởng GDP quý 1 vẫn đạt 3,82%, thuộc nhóm cao trong khu vực và trên thế giới. Trong khó khăn, nhiều địa phương vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng khá cao.

Việt Nam vẫn duy trì sản xuất kinh doanh, không để rơi vào suy thoái trong khi hầu hết các nước, đối tác lớn đều tăng trưởng âm. An ninh năng lượng, lương thực được bảo đảm, cung cấp đủ nhu yếu phẩm cho người dân, nhất là giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội.

Trong điều kiện rất khó khăn trước tác động, ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, Việt Nam vẫn quan tâm dành nhiều nguồn lực, chú trọng bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội, môi trường; đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí; tăng cường quốc phòng an ninh và các hoạt động đối ngoại.

Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ban hành Nghị quyết 42 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 với tổng số tiền khoảng 62.000 tỷ đồng; chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương triển khai, bảo đảm hỗ trợ đúng đối tượng, kịp thời, không để trục lợi chính sách; đồng thời giảm giá điện, giá nước, dịch vụ viễn thông cho người dân, doanh nghiệp trên 30 nghìn tỷ đồng, tăng thêm gần 20 nghìn tỷ đồng cho hộ nghèo vay ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách Xã hội; kịp thời xuất cấp gạo cứu trợ đồng bào vùng khó khăn và trong thời kỳ giáp hạt.

Thủ tướng nhấn mạnh, trong điều kiện khó khăn, càng phải thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, nhất là người có công, người nghèo, người mất việc làm, người yếu thế, không để một người dân nào bị bỏ lại phía sau; thực hiện hiệu quả các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể trong giám sát việc tổ chức thực hiện, bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, chống trục lợi chính sách, xử lý nghiêm các vi phạm...

Đọc báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với các kết quả đạt được theo Báo cáo của Chính phủ, mặc dù gặp nhiều khó khăn, song năm 2019 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tương đối đồng bộ các mục tiêu tổng quát đã được Quốc hội đề ra, có thêm 2 chỉ tiêu vượt kế hoạch và 4 chỉ tiêu thực hiện tốt hơn so với kết quả đã báo cáo Quốc hội.

Cả ba khu vực nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng và dịch vụ đều có sự tăng trưởng. Cơ cấu kinh tế dịch chuyển tích cực. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội được củng cố. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2019 vượt khá cao so với dự toán, bội chi ngân sách nhà nước giảm.

Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu những tháng cuối năm, Ủy ban Kinh tế đánh giá cao những nỗ lực và hiệu quả từ các giải pháp mà Chính phủ đã và đang thực hiện.

Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp nêu trong Nghị quyết số 85/2019/QH14 của Quốc hội, Ủy ban Kinh tế đề nghị quan tâm một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như cần chủ động xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế-xã hội trong ngắn hạn, dài hạn, trong đó có kịch bản với dự báo chưa thể khống chế dịch bệnh trong năm 2020; đánh giá lại các chỉ tiêu, các cân đối lớn của nền kinh tế cho cả năm 2020 và cho cả giai đoạn 2016-2020.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị tiếp tục phòng, chống dịch COVID-19 quyết liệt, kiểm soát chặt các nguồn lây nhiễm từ nước ngoài, không để dịch bệnh bùng phát, lây lan trở lại; tiếp tục thực hiện có hiệu quả, thực chất cải cách hành chính, giao dịch điện tử liên thông giữa các bộ, ngành, địa phương để thu hút mạnh đầu tư nước ngoài, phục hồi và phát triển doanh nghiệp trong nước; tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, thể chế, tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư chậm giải ngân; triển khai nhanh các dự án đầu tư công, nhất là đối với các dự án, công trình trọng điểm quốc gia có tác động lan tỏa lớn; tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi để thích ứng với biến đổi khí hậu; khẩn trương thực hiện các thủ tục phê chuẩn và tổ chức thực thi Hiệp định EVFTA, EVIPA; theo dõi sát diễn biến chính trị quốc tế, đặc biệt sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, trong đó có vấn đề thương mại và dịch bệnh; tăng cường công tác đối ngoại, chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, biên giới…

Phát triển kinh tế-xã hội trong tình hình mới

Tiếp theo, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

Từ sau kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đến nay, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 3.385 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước thông qua các Đoàn đại biểu Quốc hội và hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên.

Chủ động xây dựng kịch bản phát triển kinh tế-xã hội ngắn và dài hạn ảnh 1Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV. (Ảnh: TTXVN)

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phản ánh, kiến nghị 10 vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm và có 6 kiến nghị gửi tới Quốc hội.

Đoàn Chủ tịch ghi nhận việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp khắc phục những vướng mắc, hạn chế thuộc lĩnh vực quản lý của bộ, ngành, địa phương. 

Tại kỳ họp này, trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước, Đoàn Chủ tịch kiến nghị 5 vấn đề. Theo đó, Đoàn Chủ tịch đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xây dựng, thực hiện hiệu quả phương án phát triển kinh tế-xã hội trong tình hình mới, gắn liền với các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; triển khai nhanh, hiệu quả các gói hỗ trợ trợ của Chính phủ để doanh nghiệp sớm khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh, người dân vượt qua khó khăn; biểu dương, khen thưởng những điển hình tiêu biểu trong phòng, chống dịch bệnh để tinh thần chống dịch bệnh trong thời gian vừa qua được tiếp tục phát huy trong ổn định, phát triển kinh tế-xã hội, nhân lên tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, vì sự phát triển bền vững của đất nước.

Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, trước hết là Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục có giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ ứng dụng khoa học-công nghệ, nhất là công nghệ số vào các lĩnh vực của đời sống xã hội; chỉ đạo Bộ Công Thương và các bộ, ngành có liên quan, chính quyền các địa phương chú trọng đa dạng hóa thị trường, ưu tiên phát triển thị trường trong nước; đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam,” góp phần phục hồi nhanh và phát triển kinh tế-xã hội.

Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo có giải pháp để bảo đảm kế hoạch, chương trình dạy học và nội dung, kiến thức của học sinh, sinh viên, nhất là tại các vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn; bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh trong các cơ sở giáo dục; đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục và đào tạo.

Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và các cơ quan tư pháp tiếp tục thực hiện các giải pháp giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; khắc phục những sơ hở trong quản lý kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao hiệu quả trong phòng ngừa tội phạm; quản lý chặt chẽ người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú và hoạt động tại Việt Nam; đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án; triệt phá kịp thời các băng nhóm tội phạm; tăng cường quản lý an ninh mạng; ngăn chặn, xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên, khoáng sản.

Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền các địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; sắp xếp, tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, tạo bước đột phá trong cải cách hành chính; tiếp tục mở rộng các dịch vụ công trực tuyến, phục vụ tốt hơn nữa đối với người dân, doanh nghiệp.

Tiếp theo, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.

Cũng trong sáng 20/5, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày Tờ trình của Chủ tịch nước về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA); Tờ trình của Chủ tịch nước về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA).

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo thuyết minh Hiệp định EVFTA. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra về việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA.

Kết thúc Phiên khai mạc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo thuyết minh Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA).

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo thuyết minh Hiệp định EVFTA. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra về việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA.

Kết thúc Phiên khai mạc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo thuyết minh Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.