Chủ tịch nước tiếp các nhà thơ, nhà văn và học giả quốc tế

Chủ tịch nước mong muốn các nhà văn, nhà thơ, dịch giả quốc tế sẽ là những sứ giả thúc đẩy tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và thế giới.
Biêu diễn Dân ca Quan họ Bắc Ninh tại liên hoan thơ châu Á-Thái Bình Dương. (Ảnh: Thái Hùng/TTXVN)

Chiều 5/3, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiếp hơn 150 nhà thơ, nhà văn, dịch giả quốc tế đến từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ tới Việt Nam tham dự Hội nghị Quảng bá Văn học Việt Nam lần thứ 3 và Liên hoan thơ ca châu Á-Thái Bình Dương được tổ chức sáng 5/3 tại Vãn Miếu-Quốc Tử Giám, Hà Nội.

Tại buổi tiếp, nhiều nhà văn, nhà thơ quốc tế phát biểu đánh giá cao con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam mặc dù qua các bước thăng trầm lịch sử, các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc nhưng vẫn duy trì được nền văn học, thơ ca hết sức phong phú; cho rằng, thi ca đã góp phần giúp nhân dân Việt Nam chiến thắng và hàn gắn viết thương chiến tranh.

Với quan điểm thi ca nuôi dưỡng tâm hồn, góp phần bảo vệ hòa bình, các nhà văn, nhà thơ quốc tế nhấn mạnh sự mong muốn Việt Nam sẽ trở thành lá cờ đầu của phong trào thi ca quốc tế, trở thành thủ đô của Liên hoan thơ ca thế giới.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ vui mừng đón tiếp các nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu văn học của nhiều quốc gia đến Việt Nam nhân dịp đầu xuân năm mới, dự Hội nghị Quảng bá Văn học Việt Nam và liên hoan thơ ca châu Á-Thái Bình Dương. Chủ tịch nước cho rằng, trong nhiều thế kỷ qua, Việt Nam được bạn bè quốc tế biết đến như một dân tộc đấu tranh anh dũng, chống ngoại xâm giành độc lập tự do cho dân tộc. Dân tộc Việt Nam cũng được biết đến như một dân tộc cần cù, sáng tạo trong việc xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh.

Không chỉ vậy, người Việt Nam còn kế thừa nền văn hóa lâu đời, đặc sắc của 54 dân tộc anh em. Nền văn hóa ấy chính là sức mạnh góp phần cùng dân tộc Việt Nam giành độc lập dân tộc trong 2 cuộc kháng chiến chống đế quốc xâm lược hết sức cam go.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, trong công cuộc Đổi mới, Ðảng và Nhà nước luôn khẳng định, văn hóa vừa là mục tiêu vừa là động lực trong xây dựng bảo vệ Tổ quốc. Bàn về sứ mệnh văn hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh của nhân dân Việt Nam cũng là một nhà thơ lớn từng viết "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi". Văn hóa với thiên chức là nuôi dưỡng tâm hồn con người, dẫn dắt, khai sáng, hướng con người tới những giá trị chân, thiện, mỹ, yêu hòa bình, văn hóa còn là động lực to lớn trong việc xây dựng con người, xây dựng đất nước.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chia sẻ, hiện nay, nhiều nhà khoa học, kỹ thuật, văn hóa trên thế giới đã và đang hợp tác cùng Việt Nam trong xây dựng và phát triển đất nước. Đây là sự tiếp nối truyền thống, tình cảm mà bạn bè quốc tế đã dành cho Việt Nam trước đây cũng như phát triển đất nước ngày nay.

Chủ tịch nước bày tỏ vui mừng cho rằng, các nhà văn, nhà thơ, dịch giả quốc tế có mặt tại Hà Nội nhân dịp này sẽ là những sứ giả về văn hóa, khoa học, góp phần làm đầy đặn hơn nữa tình hữu nghị giữa nhân dân các khu vực trên thế giới với nhân dân Việt Nam trong quá trình hợp tác và phát triển và hội nhập.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, sự có mặt của các nhà thơ, nhà văn quốc tế tại Việt Nam còn là dịp cùng Việt Nam chia sẻ những giá trị văn hóa hết sức to lớn. Những bài tham luận của các bạn bè quốc tế và những trao đổi trực tiếp tại Việt Nam lần này sẽ là những tác phẩm, công trình được công bố trong tương lai, làm phong phú hơn nữa nhận thức của về văn học nghệ thuật, giúp những giá trị đó lên tầm nhân loại. Đây cũng là dịp để bạn bè quốc tế hiểu và yêu mến Việt Nam cũng như văn học Việt Nam hơn.

Với tất cả sự ngưỡng mộ chân thành đối với văn học và thi ca, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chúc mừng sự thành công của Hội nghị Quảng bá Văn học Việt Nam lần thứ 3 và Liên hoan thơ ca châu Á-Thái Bình Dương.

Chủ tịch nước tin tưởng, thơ ca của bạn bè quốc tế cũng như của các nhà thơ của Việt Nam đã, đang và mãi tôn vinh cái đẹp, ngợi ca phẩm giá con người, kêu gọi con người hướng tới những giá trị về chân, thiện, mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục