Hội thảo văn học với chủ đề “Văn xuôi Việt Nam - Hội nhập và phát triển” diễn ra sáng 3/3, tại Hà Nội, thu hút đông đảo nhà văn, nhà thơ, dịch giả trong nước và các đại biểu quốc tế đến từ hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự.
Hội thảo là một trong những sự kiện chính của chuỗi hoạt động quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài được Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức từ ngày 1-7/3.
Giáo sư Phong Lê đã có bài giới thiệu về văn xuôi hiện đại của Việt Nam, trong đó ông nhấn mạnh giai đoạn từ thập niên 90 của thế kỷ 20 đến nay. Theo Giáo sư Phong Lê, văn xuôi Việt Nam đang chuyển nhanh vào một thời kỳ mới với những biến động lớn trong chất liệu và phương thức miêu tả do tác động mạnh của xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay trên mọi lĩnh vực, trong đó có văn học.
Khó có thể hình dung tương lai văn xuôi Việt Nam sẽ thế nào trong cuộc chuyển đổi từ kỷ nguyên chữ in-sách in sang sách điện tử...
Đa số nhà văn, dịch giả tham dự hội thảo đều ghi nhận văn xuôi Việt Nam rất phong phú, đa dạng; nhiều nhà văn Việt Nam đã khẳng định tên tuổi ở trong nước, quốc tế.
Bà Phiulavan Luongvanna, Chủ tịch Hội nhà văn Lào đã nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu khi đưa ra câu hỏi: "Làm thế nào để các tác phẩm văn học hội nhập tốt hơn, làm giàu hơn tâm hồn của con người? "
Theo Chủ tịch Hội nhà văn Lào, văn học tồn tại để giúp con người xích lại gần nhau, làm cho con người yêu quý nhau hơn. Hiện tại, văn học chưa làm tốt nhiệm vụ này. Vì vậy, Việt Nam, Lào hay bất cứ một quốc gia, vùng lãnh thổ nào trên thế giới muốn hội nhập và phát triển trước hết phải điều chỉnh và vun trồng ý thức, tình cảm của con người, trong đó văn học được coi là công cụ sâu sắc, tinh tế để thực hiện nhiệm vụ này.
Quan điểm của nhà văn Igor Britov, Trưởng Ban biên tập chương trình phát thanh khu vực châu Á của Hãng thông tấn quốc tế Nước Nga hiện nay cho rằng văn học Việt Nam muốn hội nhập và phát triển phải tính đến việc quảng bá hay nói cụ thể hơn là đưa những tác phẩm văn học của Việt Nam đến với các thị trường nước ngoài, trong đó có thị trường Nga.
Nhà văn này cho rằng, ngày nay, việc xuất bản văn học Việt Nam ở Nga phần lớn là do sự vận động từ phía Việt Nam. Việc làm này cũng có thể nhận được sự hỗ trợ từ nhà nước Nga, sự nhiệt tình giúp đỡ của các nhà nghiên cứu Việt Nam học người Nga. Tuy nhiên, việc quảng bá văn học Việt Nam ở Nga chỉ có thể được thực hiện khi Chính phủ, Đại sứ quán, các nhà văn, nhà nghiên cứu văn học, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp ... của hai nước cùng vào cuộc.
Với suy nghĩ văn chương cũng nên tiếp cận kinh tế, nhà văn Muosumi Ghosh (Ấn Độ) cho rằng, theo một cách logic, một tác phẩm nghệ thuật đều xuất phát từ thế giới vật chất. Do vậy, để thúc đẩy văn học hội nhập, phát triển, mỗi người, nhất là tác giả nên quan tâm đến việc phân tích và lượng giác tác phẩm đó từ quan điểm kinh tế.../.