Xu hướng "li ti hóa" và sự manh mún đang gia tăng trong nền kinh tế Việt Nam đã thể hiện rất rõ ở việc khu vực tư nhân trong nước đã không lớn lên được trong những năm qua.
Cụ thể, những nghiên cứu gần đây cho thấy 96% doanh nghiệp Việt Nam là cỡ nhỏ và siêu nhỏ, chỉ có 2% doanh nghiệp vừa, 2% doanh nghiệp lớn.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đã thừa nhận những xu hướng không mấy lạc quan nói trên tại gặp gỡ báo chí chiều 8/6 nhằm giới thiệu Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2015.
Diễn đàn do Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam tổ chức sẽ diễn ra tại Hà Nội trong ngày 9/6, với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp để hội nhập quốc tế.”
Tại buổi họp báo, ông Vũ Tiến Lộc, với tư cách Chủ tịch Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam nhấn mạnh, trong bối cảnh Việt Nam vừa ký kết hai hiệp định tự do thương mại quan trọng với Hàn Quốc và Liên minh Kinh tế Á-Âu, và tương lai không xa là Hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP), thì vấn đề lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam hiện nay chính năng lực cạnh tranh của các công ty tư nhân trong nước.
“Mặc dù có tín hiệu đáng mừng về vai trò kinh tế tư nhân tăng lên, chiếm khoảng 49% GDP. Tuy nhiên trong đó, khu vực kinh tế cá thể lại chiếm tới 33% GDP, hơn nữa tỷ lệ này luôn tăng lên trong những năm qua và không hề giảm đi,” ông Lộc thẳng thắn nói.
Theo đó, ông Lộc cho biết, tại Diễn đàn ngày mai (9/6), các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam sẽ đề cập tới vấn đề về môi trường cạnh tranh chung, song về phía cộng đồng doanh nghiệp trong nước một trong những điểm lo ngại nhất cần được trao đổi đó là khả năng phát triển năng lực của khu vực tư nhân.
Cũng tai buổi họp báo, bà Virginia B. Foote đồng Chủ tịch của Liên minh VBF cho biết thêm, một trong những nội dung quan trọng được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, là giải pháp tháo dỡ bỏ bức tường ngăn cách giữa các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp trong nước.
“Gần đây đã có những quy định pháp luật tách doanh nghiệp trong nước ra khỏi khối đầu tư nước ngoài, bởi theo Luật Đầu tư mới sửa đổi thì vẫn còn có 267 ngành kinh doanh mà doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sẽ phải xin cấp phép,” bà Foote giải thích./.
Nội dung thảo luận chính tại Diễn đàn lần này, bao gồm:
- Tổng quan về môi trường kinh doanh.
- Thương mại, Du lịch và Đầu tư: Các vấn đề vướng mắc trong thực thi các quy định mới về Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản và Luật Xuất Nhập cảnh.
- Ngân hàng và Thị trường Vốn: Nhu cầu hiện đại hóa phục vụ đà tăng trưởng tích cực của thị trường tài chính.
- Cơ sở hạ tầng: Yêu cầu đối với việc thực hiện hình thức đối tác công tư (PPP), tăng cường hạ tầng cảng và nhu cầu về điện năng theo Quy hoạch điện VII.