Đầu tư nước ngoài của Nhật vào Việt Nam đạt 36,5 tỷ USD

Tại thời điểm tháng 10/2014, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lũy kế từ Nhật Bản vào Việt Nam đã được chính phủ Việt Nam phê duyệt là 36,5 tỷ USD, đứng số 1 trong các nước và vùng lãnh thổ.
Đầu tư nước ngoài của Nhật vào Việt Nam đạt 36,5 tỷ USD ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cuối kỳ (VBF 2014), ông Shimon Tokuyama, Chủ tịch Ủy ban Diễn đàn Kinh doanh, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, tại thời điểm tháng Mười, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lũy kế từ Nhật Bản vào Việt Nam đã được chính phủ Việt Nam phê duyệt là 36,5 tỷ USD, đứng đầu tiên trong các nước và vùng lãnh thổ đang đầu tư vào Việt Nam.

Ông Shimon Tokuyama đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong việc sửa đổi và cải thiện Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia. Song ông Shimon cũng tiếp tục đưa ra kiến nghị cải thiện, sửa đổi trong cả hai luật trên.

Cụ thể, Luật Đầu tư sửa đổi nên duy trì quy định “các dự án đầu tư trong khuôn khổ chương trình đầu tư của Chính phủ và các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng trọng điểm khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ cần được bảo đảm đáp ứng nhu cầu ngoại tệ."

Về căn cứ Luật điều chỉnh và các điều khoản giải quyết tranh chấp, cho phép các nhà đầu tư là doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam được chọn luật nước ngoài là luật điều chỉnh và trọng tài nước ngoài/quốc tế trong giải quyết tranh chấp.

Theo ông Shimon, để chuẩn bị cho Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA) đang đến gần, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ cần được đẩy mạnh. Nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ đang được Bộ Công thương nghiên cứu cần có tính thiết thực và nhất quán (một định nghĩa rõ ràng về công nghiệp hỗ trợ cần được đưa ra, quy trình hướng dẫn sàng lọc hồ sơ cho các ưu đãi thuế cần được xây dựng, việc áp dụng các hướng dẫn này cần đi kèm với các thủ tục đã được đơn giản hóa.)

“Ngoài ra để phát triển tổng thể công nghiệp hỗ trợ, Việt Nam cần phải ưu tiên phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ có triển vọng ở địa phương. Các chính sách mới hỗ trợ đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ phải thực sự có hiệu quả, thiết thực hơn cần được ban hành, như cho vay lãi suất thấp và ưu đãi thuế,” ông Shimon nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.